Văn nghệ

Hai người lính…

Vũ Thị Huyền Trang 30/04/2023 08:45
ADQuảng cáo
134130minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa  Ngọc Tâm

Sương trở về nhà nghỉ lễ sớm hơn dự định. Vừa bước vào cổng nhà, Sương đã thấy bố ngồi khâu lại lá cờ dưới cái nắng tháng tư tươi rói. Đám hoa xoài nở muộn, rụng lả tả trên mái tóc pha sương. Bầy chim thoắt ẩn thoắt hiện bằng tiếng hót lúc lanh lảnh bên tai, lúc xa xôi trong gió. Cạnh chỗ bố ngồi là một cành tre vừa chặt về để cắm cờ. Thấy Sương về, ông dụi mắt hỏi:

 - Sương đấy à con? Đi nhẹ cứ như chân mèo ấy, bố chẳng nghe thấy gì cả.

-Thì từ bé, bố vẫn bảo con là chú mèo nhỏ đấy thôi. Năm nay không được phát cờ mới hay sao mà bố lại ngồi may cờ rách thế này?

-Có đấy, hai năm khu sẽ phát một lần. Nhưng con nhìn xem, cờ chỉ rách một tí chỗ luồn cây thôi, bỏ đi thì tiếc.

-Vậy bố để con khâu lại cho. Mẹ đi đâu mà nhà yên ắng quá?

-Mẹ con sang chùa rồi.

-Hôm nay bên chùa có việc gì vậy bố?

-Thì các cụ vẫn thay nhau sang giúp việc nhà chùa. Đọc kinh, dọn dẹp, đun nước, nhổ cỏ, trồng cây vườn chùa. Cũng tốt, từ hồi chăm đi chùa, mẹ con ngủ ngon hơn hẳn.

-Thế còn bố? Dạo này bố còn hay mơ thấy đồng đội cũ của mình không ạ?

     Câu hỏi của Sương khiến ông Nhạn dừng tay, nheo mắt nhìn xuyên cái nắng tháng tư lấp lóa. Tháng tư luôn là khoảng thời gian ông nhớ đồng đội mình hơn cả. Như lúc này ngồi ngó nắng lấp lánh trên tán lá khiến ông nhớ nắng trên mũ tai bèo, vai áo bộ đội, chiếc ba lô ám mùi thuốc súng. Nắng tháng tư trên cửa ngõ Sài Gòn ngày giải phóng, ông không bao giờ quên được. Đó là thứ nắng lẫn trong khói bom vẫn ngời lên rực rỡ.

-Mà con có biết những người lính như bố thấy nắng ở đâu đẹp nhất không?

-Ừm… Có phải là nắng ở nơi không tiếng súng, đúng không ạ?

-Cũng đúng. Nắng hình ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc. Nắng sân thóc mẹ phơi ở quê nhà. Nắng lọt qua tán lá rừng vào ngày không tiếng súng.

-Vậy những ngày không tiếng súng bố và đồng đội thường làm gì?

ADQuảng cáo

-Viết nhật ký, viết thư về cho gia đình, nằm nghĩ về những ngày hòa bình. Nhưng sau những ngày bình yên thường là một đợt tấn công mạnh mẽ từ phía địch. Lâu quá rồi cũng không biết đồng đội của bố ai còn ai mất.

-Hay là để con giúp bố nối lại liên lạc với những đồng đội cũ, bố nhé.

- Khó lắm con ơi. Bao nhiêu năm trôi qua, cũng chẳng biết phiêu bạt nơi nào.

-Thời đại 4.0 mà bố. Mình cứ tìm. Biết đâu…

   Ông Nhạn đeo kính, lôi chiếc hòm sắt phủ bụi, lấy ra chiếc ba lô cũ để lục lại sổ sách, giấy tờ. Sương thích thú với “gia tài” của bố. Một cuốn sổ bìa đen, mở ra thấy những dòng nhật ký đã bay màu, có chỗ nhòe đi. Giữa cuốn sổ kẹp tấm ảnh đen trắng vài chỗ đã hoen ố, chỉ có nụ cười của bố và đồng đội như rạng rỡ vượt thời gian. “Đây là chú Khởi. Quê ở Võ Nhai- Thái Nguyên. Nhập ngũ được một năm thì nhận được thư vợ báo tin đã sinh con gái. Cả đêm chú ấy thao thức không ngủ được. Chú ấy tự hứa sẽ làm cho con gái một chiếc lược từ xác chiếc máy bay mà mình bắn trúng. Chỉ tiếc là chú ấy đã không đợi được đến ngày máy bay địch rớt xuống cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ. Chú ấy đã hi sinh trong mùa xuân năm 1972 ở Khe Sanh. Đây là chú Khánh, quê ở Tân Yên- Bắc Giang. Chú Khánh tài hoa lắm, thi ca nhạc họa gì cũng giỏi. Chú ấy vào chiến trường là mang theo trái tim của không biết bao nhiêu cô gái. Đây là chú Hoàn quê ở Yên Lập- Phú Thọ da đen, rắn rỏi nhất tiểu đội. Hôm bố bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, chính chú ấy đã cõng bố xuyên qua lửa đạn. Nghe nói sau này chú ấy theo nghề giáo. Ấy là nghe nói vậy chứ bố cũng chẳng có thông tin gì cả”. Sương lau camera điện thoại chụp đi chụp lại bức ảnh đen trắng của bố và đồng đội. Sương nhập lại tên tuổi, quê quán từng người rồi gửi tin lên trang “nhantimdongdoi.org”. Đồng thời, Sương cũng đăng tin vào các trang địa phương, các hội, nhóm “Nhắn tìm đồng đội” trên facebook. Tin đăng lên rất nhiều người vào bình luận. Họ đa phần là những người lính đã đi qua cuộc chiến tranh máu lửa. Sương xúc động bởi những comment không dấu, có khi còn sai chính tả của các chú, các bác cựu chiến binh. Mường tượng ra họ đeo kính, lần tìm trong bức ảnh và câu chuyện mà Sương kể để thấy lại chút kí ức nào đó của chính mình.

   Sương cố gắng lần theo các manh mối thông tin tìm kiếm được để liên lạc về các địa phương. Nhưng thông tin mỏng, những cán bộ trẻ ở địa phương nhiều khi không nắm được. Có người lần ra tin tức quê quán, nhưng đã theo con chuyển đi nơi khác. Lại có người đã mất lâu rồi. Ông Nhạn mỗi lần nghe thông tin từ con gái lại thở dài nhìn ra cái nắng lấp lóa ngoài trời. Ở độ tuổi của ông sống chết, được mất cũng là chuyện thường tình. Chỉ tiếc là bao nhiêu năm qua mải mưu sinh, lo toan cuộc sống, hết nuôi dạy con cháu lại phụng dưỡng bố mẹ già. Đến lúc có thể sống cho mình thì tuổi đã cao, công nghệ thông tin mù tịt, cũng chẳng biết làm cách nào tìm lại những đồng đội cũ của mình. Giá mà trước lúc về bên kia thế giới, đồng đội được gặp lại nhau tay bắt mặt mừng thì vui biết bao nhiêu. Thỉnh thoảng xem trên ti vi cuộc gặp gỡ của những người lính ông đều không kìm được cảm xúc. Họ như nói hộ tâm trạng của ông. Họ như đang nhắc lại những ký ức của ông trong những tháng ngày vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước. Tình đồng chí, đồng đội cùng vào sinh ra tử nó thiêng liêng lắm. Có những đêm ông chìm vào giấc ngủ, thấy mình đang mắc võng nằm dưới tán cây rừng. Tiếng suối chảy róc rách, tiếng đồng đội hát bên tai, những nụ cười tươi rói như thể chưa từng đi qua trận chiến khói lửa nào. “Nhạn ơi!”, tiếng đồng đội gọi vang tên ông trước khi lẫn trong khói bom đạn lửa. Ông bừng tỉnh, nghe xa vắng một tiếng gà vừa gáy…

    ***

     Lúc ông đang bắc ghế chỉnh lại cán cờ trước cổng nhà thì tiếng chuông điện thoại reo vang. Lập cập trèo xuống, nheo mắt nhìn dòng số lạ trên điện thoại ông định tắt máy vì nghi cuộc gọi lừa đảo. Thời buổi này lừa đảo thiếu gì, một ngày vài cuộc gọi báo nợ, báo có người thân ở nước ngoài chuyển tiền, báo khóa sim… Tốt nhất cứ thấy số lạ, ông sẽ không nghe máy. Nhưng ông chợt nhớ ra lời Sương dặn: “Con đăng tìm đồng đội cho bố. Có để số máy của bố ở mỗi cuối bài đăng nên bố phải cầm theo điện thoại bên mình, thấy ai gọi thì nghe nhé”. Ông lập cập bấm máy, một giọng nói ồm ồm vang lên:

- Nhạn đấy à? Có phải Nhạn mắt nháy đấy không? Tớ này, Long đen đây. Có nhớ Long đen không?

Ông Nhạn lặng người vài giây, rất nhanh, những ký ức như thước phim tài liệu chạy trong đầu ông. Đúng rồi! Đúng là giọng của Long đen rồi. Ông thốt lên vui sướng:

-Nhớ! Nhớ chứ! Tớ còn nhớ cậu có cái nuốt ruồi đỏ ngay sau gáy, thích ăn măng rừng, êm ngủ mơ hay gọi tên hết Đào đến Mận. Đúng không nào?

-Đúng! Đúng! Là tớ đây. Nhưng giờ ngủ không còn dám nói mớ nữa rồi. Giờ mà còn gọi tên Đào với Mận là chết với bà nhà tớ đấy. Thế cậu và gia đình vẫn khỏe cả chứ? Xuất ngũ cậu làm gì? Lấy vợ năm nào? Sinh được mấy đứa con?

-Khỏe! Khỏe! Xuất ngũ tớ về quê xây dựng kinh tế. Tớ lấy vợ cũng muộn. Sinh cả thảy ba đứa con, hai trai một gái. Đứa út nhà tớ còn chưa chịu lấy chồng. Bà cụ nhà cậu thế nào, có còn mạnh khỏe không? Vợ con cậu thế nào?

-Mẹ tớ mất lâu rồi, từ năm 1997 cơ. Tớ thì hai đời vợ. Mà thôi, chuyện dài lắm có khi phải gặp nhau kể mới hết được.

-Gặp nhau ấy à? Được đấy. Để tính xem nào…

      Hai người lính giờ chẳng còn vướng bận gì nên tính rất nhanh. Họ hẹn nhau xuống thủ đô rồi cùng lên chuyến tàu Bắc - Nam vào thăm lại chiến trường xưa một chuyến. Họ ngồi bên nhau nhìn dãy Trường Sơn vụt qua ô cửa sổ tàu, ký ức như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt. Đi qua bao mất mát, đau thương rừng vẫn xanh thăm thẳm. Đồng đội ông từng ngã xuống dọc dài dãy Trường Sơn như hòa vào cây lá, mây trời vẫy gọi. Điện thoại reo vang, tiếng Sương lẫn trong tiếng của phố xá ồn ào. Sương gọi có khi chỉ để hỏi tàu đã đi đến đâu rồi bố? Khi hai người lính gặp lại nhau chắc sẽ có rất nhiều chuyện để nói với nhau bố nhỉ? Ừ thì từng ga đến rồi đi, hai người lính rì rầm ôn lại chuyện xưa rồi kể nhau nghe về quãng đời sau trận mạc…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai người lính…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO