Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong cuộc thảo luận về trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 22/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 30/5, dự luật về vấn đề nâng mức trần nợ công của Mỹ, do Tổng thống nước này Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nỗ lực đạt được, đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện.
Cụ thể, với 7 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đã thông qua các quy tắc cho phép toàn bộ Hạ viện tiến hành tranh luận và bỏ phiếu về dự luật này.
Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 31/5 (theo giờ Mỹ). Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét.
Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.
Một số nhà lập pháp cứng rắn của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối thỏa thuận - dấu hiệu cho thấy thỏa thuận lưỡng đảng có thể phải đối mặt với quá trình phê duyệt khó khăn tại Quốc hội.
Trước đó, sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp trần nợ trong hai năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024.
Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo./.