Hạ tầng thủy lợi Đắk Nông phát triển đa mục tiêu
20 năm qua, hạ tầng thủy lợi tỉnh Đắk Nông ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế.
Thời điểm tái lập tỉnh, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, được xây dựng từ lâu, nhiều chủ quản lý. Không ít công trình xuống cấp, hư hỏng các hạng mục, không phát huy được hiệu quả.
Các công trình thủy lợi nằm rải rác, diện tích tưới, tiêu không tập trung. Tuyến kênh tưới, tiêu dài, quá tải cho công trình. Nhiều công trình chưa có kênh nội đồng, hoặc có nhưng bằng đất, gây khó khăn cho việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.
Việc giải quyết các trường hợp vi phạm hành lang an toàn công trình, giải phóng mặt bằng để thi công nâng cấp, sửa chữa lớn, đo đạc lập hồ sơ xin giao đất các công trình thủy lợi gặp khó khăn. Nhận thức, ý thức, vai trò, trách nhiệm của nhiều người dân về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế. Thực tế này đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Với mục tiêu vực dậy các công trình thủy lợi để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển, năm 2011, UBND tỉnh đã giao 150 công trình thủy lợi cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác, vận hành. Tỉnh thực hiện chủ trương đầu tư, sửa chữa, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu vừa phục vụ phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, vừa cung cấp nước sinh hoạt, tạo môi trường sinh thái và phòng, chống thiên tai. Nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, vận hành tốt đã phát huy hiệu quả.
Điển hình, Công trình thủy lợi Đắk Rồ ở huyện Krông Nô được đầu tư, quản lý, vận hành tốt nên nhiều năm nay luôn đáp ứng được các yêu cầu về an toàn hồ chứa, điều tiết nước phục vụ hiệu quả cho khoảng 7.000 ha cây trồng gồm lúa, cà phê của Nhân dân 2 xã Đắk D’rô, Nam Đà và thị trấn Đắk Mâm. Công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.500 hộ dân của thị trấn Đắk Mâm.
Ông Huỳnh Minh Sáng, thôn Nam Phú, xã Nam Đà, huyện Krông Nô cho biết, Công trình thủy lợi Đắk Rồ được quản lý, vận hành tốt đã bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất ổn định hơn cho người dân địa phương, giảm thiểu tình trạng thiếu nước, hạn hán vào mùa khô.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, 20 năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư cho hạ tầng thủy lợi. Toàn tỉnh hiện có 307 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hơn 82% diện tích cây trồng, tăng 52% so với năm 2004.
Hạ tầng thủy lợi được hoàn thiện, đồng bộ là cơ sở để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng.
Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp tăng gần 2 lần, từ 161.825 ha năm 2004 lên 319.397 ha năm 2023. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, tăng 7,9 lần, từ 13,01 triệu đồng năm 2004 lên 103 triệu đồng năm 2023.
Theo đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, bảo vệ môi trường.
Tỉnh ưu tiên nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi mới theo quy hoạch được duyệt, khuyến khích nông dân nâng cấp, xây mới các hồ chứa nước, đập dâng nhỏ.