Hạ tầng tạo nền tảng phát triển huyện biên giới Đắk Nông
Các công trình hạ tầng được huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đầu tư xây dựng, mở rộng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.
Sau 2 năm triển khai thi công, tuyến đường huyết mạch nối xã Quảng Tâm – Đắk Ngo với trung tâm huyện Tuy Đức dài gần 20km, tổng kinh phí 100 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, đưa vào sử dụng mang lại niềm vui lớn cho chính quyền và người dân địa phương.
Đi trên con đường mới được đầu tư xây dựng, kết nối với trung tâm huyện, ông Đinh Văn Hảo, ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức cho biết, nhiều năm nay, mỗi khi có việc phải vào trung tâm hay đưa đón cháu đi học, ông phải lắp xích cho xe máy của mình mới có thể di chuyển được.
Từ khi tuyến đường được thi công, ông và người dân địa phương vô cùng phấn khởi, vùng kinh tế khó khăn đang dần đổi thay.
Nằm ở biên giới Đắk Nông, huyện Tuy Đức đối diện với nhiều thách thức về đầu tư xây dựng hạ tầng. Dựa vào thực tiễn, huyện Tuy Đức xác định giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển hạ tầng của địa phương.
Với địa bàn rộng và nhiều vùng khó khăn, việc bảo đảm giao thông thuận lợi có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các xã, thôn, bon.
Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 100%, vượt xa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện là 79,97%. Tỷ lệ thôn, bon có từ 2-3 km đường cứng hóa cũng đạt 100% theo kế hoạch đề ra.
Đường giao thông được cứng hóa ở tất cả các thôn, bon không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn giúp giao thương phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện.
Cùng với giao thông, huyện Tuy Đức đã đẩy mạnh các dự án cấp điện và nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trong toàn huyện đạt 98,5% và 100% thôn, bon có điện, hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết.
Mạng lưới điện không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tính đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, vượt chỉ tiêu của nghị quyết là 88%. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng được nâng cấp, bảo đảm cung cấp nước tưới cho 54,3% diện tích cây trồng có nhu cầu, vượt mục tiêu đề ra.
Các công trình thủy lợi đã giúp giảm thiểu tình trạng thiếu nước, đặc biệt là trong mùa khô, bảo đảm sản xuất ổn định cho các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và mắc ca
Trong nhiệm kỳ, huyện đã tập trung xây dựng mới và cải tạo cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, huyện sẽ có 15 trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Việc đầu tư vào hạ tầng giáo dục không chỉ cải thiện chất lượng học tập cho học sinh mà còn tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực tại địa phương
Hạ tầng y tế cũng được chú trọng với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Các trạm y tế trong toàn huyện đều được cải thiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất, với 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Tuy nhiên, huyện vẫn còn khó khăn về số lượng bác sĩ, với tỷ lệ 5 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết là 7 bác sĩ/vạn dân. Dù còn hạn chế, việc đầu tư vào cơ sở y tế đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và tạo nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng sống của cộng đồng trong thời gian tới.
Song song với các hạ tầng kinh tế, Tuy Đức cũng đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng văn hóa, thể thao, phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, các công trình thiết yếu được đầu tư, xây dựng đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội huyện phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Nhiều hạng mục vượt kế hoạch đặt ra, khẳng định sự đầu tư đúng đắn và hiệu quả của huyện biên giới Đắk Nông. Đây cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương, khai thác các tiềm năng sẵn có của huyện.