Sáng 27/2, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, do Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath làm Trưởng đoàn, nhân chuyến sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện Sở Ngoại vụ cùng đại diện các Ban và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố.
Về phía đoàn đại biểu Quốc hội Lào có Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang và thành viên đoàn công tác.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào, đồng thời khẳng định, tình hữu nghị giữa hai nước là đặc biệt và hiếm có. Phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn trân trọng, tự hào; luôn nỗ lực để không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ đặc biệt này.
Đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố luôn dành ưu tiên cao trong phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Lào, đặc biệt là Thủ đô Vientiane.
Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô nói riêng và giữa Hà Nội với các địa phương của Lào nói chung đã không ngừng được thắt chặt, phát triển toàn diện trên tất cả các kênh, với nhiều dự án hiệu quả.
Chia sẻ một số kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết trải qua 16 nhiệm kỳ, tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 95 đại biểu, được chia thành 30 tổ đại biểu tại 30 quận, huyện, thị xã.
Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu, bằng 20% tổng số đại biểu hội đồng nhân dân thành phố.
Các kỳ họp Hội đồng Nhân dân được tổ chức với nhiều đổi mới theo hướng khoa học, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố.
Các nghị quyết được hội đồng nhân dân thành phố ban hành nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ của Trung ương, Thành ủy và là căn cứ pháp lý quan trọng để ủy ban nhân dân thành phố và các cấp, các ngành tổ chức triển khai, thực hiện.
Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình với nội dung trọng tâm, trọng điểm về công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, những bức xúc của cử tri và nhân dân; được tổ chức thực hiện rất bài bản, chất lượng, đem lại hiệu quả rõ rệt; thu hút đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá cao.
Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài… cho thấy trách nhiệm của đại biểu hội đồng nhân dân trước cử tri và nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội luôn phát huy vai trò điều hòa, hướng dẫn hoạt động của hệ thống hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã và gần đây nhất là Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố đã trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội.”
Hà Nội đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó đề xuất phương án tiếp tục tăng cường tổ chức bộ máy và thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân Thủ đô cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Lào và Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao đổi, giải đáp một số vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội Lào quan tâm về số lượng hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; về cơ cấu, tỷ lệ đại biểu hội đồng nhân dân có thành phần là doanh nghiệp tư nhân, đại biểu không phải đảng viên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của hoạt động nhân dân.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh ngoài những nội dung đã trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội Lào tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội sẵn sàng tiếp tục mở rộng và tăng cường hơn nữa các nội dung, hoạt động hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động của các cơ quan dân cử.
Qua đó đóng góp vào việc tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chúc tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Bày tỏ xúc động nước sự đón tiếp nồng hậu, ấm cúng của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath cho biết chuyến công tác lần này của đoàn nhằm tổ chức triển khai biên bản hợp tác giữa Quốc hội Lào và Việt Nam, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị cũng như nâng cao quan hệ trong các lĩnh vực.
Quốc hội Việt Nam cũng đã sắp xếp chương trình cho đoàn đi thăm và làm việc tại một số địa phương.
Thông qua chuyến thăm và công tác này, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt về cơ cấu, bộ máy tổ chức, nhân sự cũng như là cách tiến hành đánh giá các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Đồng thời thu được nhiều bài học kinh nghiệm từ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc lựa chọn giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath tâm đắc với những trao đổi, chia sẻ của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đối với các câu hỏi của đoàn, nhất là các vấn đề về bộ máy tổ chức hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, quá trình đánh giá lấy phiếu tín nhiệm... và bày tỏ tin tưởng quan hệ hữu nghị hai nước Lào-Việt Nam không ngừng phát triển và bền vững trong tương lai./.