Pháp luật

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):Cần gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng

Lê Phước 14/03/2023 06:00
ADQuảng cáo

Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm và có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện các dự án này, Nhà nước phải thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) một diện tích lớn đất đai của người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Vũ Xuân Quỳnh, trong năm 2022, tỉnh thu hồi đất để thực hiện 20 dự án lớn. Hiện tại, chỉ có 2 dự án hoàn thành công tác GPMB và đang được triển khai thi công. Tiến độ bồi thường, GPMB tại hầu hết các dự án còn lại khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ đề ra.

anh-1-vuong-mat-bang-1-.jpg
Nhiều dự án lớn ngay trung tâm TP. Gia Nghĩa đang bị vướng giải phóng mặt bằng

Trong vấn đề GPMB, có 2 “nút thắt” cơ bản nhất là giá bồi thường và tái định cư. Trong đó, việc bồi thường về kinh phí được thực hiện dưới 2 hình thức: áp theo giá đất của Nhà nước và thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người dân.

Riêng về vấn đề bố trí đất tái định cư, hiện còn rất nhiều khúc mắc trong quá trình GPMB thực hiện các dự án của Đắk Nông. Không chỉ những dự án đã và đang triển khai, nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào vận hành từ lâu nhưng vấn đề liên quan đến “nút thắt” tái định cư vẫn chưa được giải quyết. Điều này gây ra những bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Để bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, chính sách pháp luật đã quy định rõ phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được thực hiện trước, công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích.

ADQuảng cáo
anh-2-bo-dong-1-.jpg
Khu tái định cư bờ Đông được mới được xây dựng nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được kỳ vọng

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế quan điểm này. Tại khoản 2, Điều 89 dự thảo quy định rõ nguyên tắc: “Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, quy định này thể hiện tính nhân văn của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi rất khó so sánh bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Điều này dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo... “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Chúng ta phải cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “thu nhập ổn định”, “tốt hơn nơi ở cũ” thì mới giải quyết được bài toán GPMB”, ông Hợp chia sẻ.

Trong các đợt góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Đắk Nông, nội dung này đã được đưa ra bàn luận nhiều. Các ý kiến cho rằng cần phải xây dựng các căn cứ để xác định được điều kiện “bằng hoặc tốt hơn”. Nếu quy định chung chung sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cả Nhà nước và người dân.

Một số kiến nghị của tỉnh Đắk Nông cho rằng, phải luật hóa vấn đề GPMB, cấp đất tái định cư cho người dân. Để bảo đảm đời sống người dân bị thu hồi đất, phải quy định rõ về các tiêu chí trong khu tái định cư. Ngoài ra, pháp luật phải tính toán đến việc tạo không gian sinh hoạt và sinh kế phù hợp với người dân bị thu hồi đất.

anh-3-ha-tang-dang-do-1-.jpg
Nhiều khu tái định cư ở TP. Gia Nghĩa đầu tư dang dở, thiếu thốn hạ tầng

Muốn vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung rõ các quy định về nguyên tắc và điều kiện tái định cư. Phải làm rõ tính pháp lý của loại đất bị thu hồi và các trường hợp được tái định cư cụ thể thì việc áp chính sách tái định cư sẽ phù hợp, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO