Gỡ khó khẩn cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai

Bài và ảnh: PHAN HÒA| 02/11/2023 04:34

Trang thiết bị, vật tư y tế thiếu thốn; thu không đủ chi; tổ chức quản lý bất cập; cơ sở vật chất tại bệnh viện đã lâu, nay xuống cấp không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh…, đó là những thực tế mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt, ảnh hưởng nhiều đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân và môi trường công tác của cán bộ y tế.

Khó chồng khó…

Theo báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là bệnh viện đa khoa hạng II, hiện có 909 nhân viên, trong đó có 491 biên chế, còn lại là hợp đồng. Bác sĩ trong diện hợp đồng là 63 người, chiếm 59% tổng số bác sĩ toàn bệnh viện, nếu so với 800 giường bệnh kế hoạch được giao thì còn thiếu nhiều.

Từ năm 2018, thực hiện Quyết định số 212/QÐ-UBND ngày 17/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, tự bảo đảm chi thường xuyên 100%, trừ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và đầu tư khác, bệnh viện tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Tuy nhiên, trong hai năm 2020-2022, đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, dẫn đến số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, các dịch vụ y tế cũng như công suất sử dụng giường bệnh giảm sâu, nguồn thu giảm, thu không đủ chi nhưng bệnh viện vẫn phải thực hiện chi thường xuyên các khoản, với số kinh phí tương đương giai đoạn 2018-2019… Vì vậy, số chênh lệch thu-chi của bệnh viện giai đoạn này âm gần 67 tỷ đồng.

Phần lớn các trang thiết bị hiện có tại bệnh viện được trang bị theo đề án “liên doanh, liên kết” và “máy mượn, máy đặt”. Việc mua sắm vật tư, hóa chất của bệnh viện đang gặp nhiều trở ngại. Tình hình thanh quyết toán bảo hiểm y tế đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa được thanh toán các khoản: Chi phí vượt trần đa tuyến đến năm 2018 với số tiền hơn 8 tỷ đồng; chi phí chênh lệch giữa kỹ thuật gây tê, gây mê trong ba năm 2019, 2020 và 2021 với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

Công tác thanh quyết toán hằng năm tại đơn vị còn nhiều bất cập, nhiều khoản nợ phải thu, phải trả, các khoản chi trước, chi tạm ứng… dồn từ năm này sang năm khác; thậm chí có nhiều khoản từ năm 2017 đến nay vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại bệnh viện do xây dựng đã lâu nay xuống cấp không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân… “Hiện tại, bệnh viện thiếu hụt 115 tỷ đồng để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, trong đó riêng tiền lương tới nay là 63 tỷ đồng; bảo hiểm y tế ba năm 2018, 2019, 2020 chưa thanh toán; tiền phẫu thuật 52 tỷ đồng. Bệnh viện nợ các đơn vị cung ứng rất nhiều, không thanh toán cho nên họ không cung cấp vật tư y tế”, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Ngoài ra, một số khó khăn khác về nhân lực đã và đang ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho người bệnh. Trong tổng số hơn 900 người lao động tại bệnh viện, thì chỉ 54% được biên chế, số còn lại đều là nhân viên hợp đồng và bác sĩ với đồng lương hạn hẹp dưới 4 triệu đồng/người/tháng, nhiều năm không tăng lương, ít cơ hội học tập. Ðiều này cũng là nguyên nhân khiến nhiều người rời bỏ bệnh viện để tìm nơi làm việc tốt hơn. Chỉ tính từ cuối năm 2022 tới nay, đã có 35 viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 17 bác sĩ. Việc này đã gây tình trạng quá tải công việc trong bệnh viện và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Cần tháo gỡ khẩn cấp

Ngày 13/10 vừa qua, đoàn công tác liên ngành do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai để nghe báo cáo công tác giải quyết các bất cập, khó khăn, vướng mắc; đồng thời tiến hành kiểm tra tình hình thực tế, từ đó có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ để bệnh viện hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó để tái cấu trúc bộ máy, bệnh viện đặt mục tiêu thực hiện: “sáp nhập để tinh gọn” và “mở rộng để nâng tầm”. Theo đó, sáp nhập một số khoa hoạt động ít hiệu quả, chức năng trùng lặp chồng chéo, gây tốn kém nhân lực. Mở rộng, biên chế thêm giường bệnh các khoa có công suất giường bệnh cao, quá tải. Thành lập mới một số trung tâm, khoa lâm sàng theo định hướng phát triển thành bệnh viện hạng I. Về công nợ, tiếp tục thương thảo các nhà cung cấp trả chậm, trả dần khi bệnh viện có nguồn, ưu tiên các mặt hàng thuốc, vật tư sử dụng cấp cứu; ưu tiên nguồn kinh phí để trả nợ thuốc, nợ vật tư; tiết kiệm tối đa nguồn chi thường xuyên để trả nợ...

Ngoài ra, để giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bệnh viện đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế thanh toán kinh phí bảo hiểm y tế chưa được thanh toán cho đơn vị; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển viên chức có trình độ đại học đang hợp đồng tại bệnh viện vào biên chế, ưu tiên đối tượng là bác sĩ; tuyển dụng thêm nhân lực và sớm đào tạo theo kế hoạch triển khai các chuyên khoa theo đề án bệnh viện hạng I.

Ðồng thời, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ cho bệnh viện theo quy định tại Quyết định số 16/2022/QÐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19; bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện… Bên cạnh đó, thẩm định phương án tự chủ giai đoạn 2023-2025 của bệnh viện để làm căn cứ giao quyền tự chủ theo quy định...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, vì vậy những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ khẩn cấp. Vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cần phải tháo gỡ ngay; Bảo hiểm xã hội tỉnh cần rà soát, khẩn trương trả lời dứt điểm về việc nợ bảo hiểm y tế, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kiến nghị, đề xuất cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết.

Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các vấn đề bất cập, vướng mắc của bệnh viện để báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết. Tổ công tác liên ngành sẽ tập trung làm rõ bốn vấn đề chính gồm: Ðề án cấu trúc lại bệnh viện; phương án tự chủ gắn với đề án vị trí việc làm; phương án xử lý công nợ và đầu tư cơ sở vật chất; đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, quy định.

Về cơ sở vật chất, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cùng Sở Y tế mời các ngành liên quan xác định bằng biên bản báo cáo công trình khẩn cấp; trong đó trước mắt là Khoa Hồi sức tích cực chống độc và Khu phòng mổ sẽ đề xuất trong dự toán năm 2024-2025. Về việc bổ sung các trang thiết bị cấp bách phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, bệnh viện nhanh chóng làm tờ trình để tính toán bổ sung đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Sở Nội vụ kiểm tra toàn bộ, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, chế độ cho người lao động tại bệnh viện. Về trang thiết bị, máy móc, cần bám sát Ðề án Y tế của tỉnh đã phê duyệt để xây dựng lộ trình tới năm 2030, lên kế hoạch duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị… Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, cân nhắc các nguồn, quỹ để cân đối, hỗ trợ bệnh viện làm tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/go-kho-khan-cap-cho-benh-vien-da-khoa-tinh-gia-lai-post780590.html
Copy Link
https://nhandan.vn/go-kho-khan-cap-cho-benh-vien-da-khoa-tinh-gia-lai-post780590.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Gỡ khó khẩn cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO