Đơn cử, một số dự án cấp thiết của Chương trình như Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đến ngày 30/6 mới giải ngân đạt 43,28% kế hoạch; Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết giải ngân đạt 16,14%; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc giải ngân đạt 19,64%.
Ngoài ra, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch mới giải ngân đạt 2,5% kế hoạch; Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đạt 0,6% kế hoạch; Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án phát triển giáo dục đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực; Dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, mặc dù nguồn vốn dành cho Chương trình khá lớn nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số nội dung chưa đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với đối tượng thụ hưởng; việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện chính sách. Công tác tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời, chưa phản ánh hết khó khăn, vướng mắc trong triển khai...
Bên cạnh đó, do địa bàn triển khai khá rộng, dàn trải, đa dạng về công việc, loại hình, khoảng cách địa lý xa, tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định nên kết quả thực hiện Chương trình còn thấp.
Bà H'yâo Knul, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài những khó khăn trên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ như: Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của một số Bộ, ngành chưa rõ, chưa cụ thể, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; quy định liên quan đến thực hiện Chương trình đang thay đổi. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện hướng dẫn, trả lời kiến nghị, đề xuất của địa phương còn chậm… dẫn đến việc thực hiện các dự án bị tắc nghẽn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chủ động, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm sớm tham mưu, đề xuất giải pháp và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Để tăng hiệu quả thực hiện Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện thủ tục cần thiết để tổ chức thực hiện và giải ngân vốn thuộc Chương trình; chỉ đạo các địa phương triển khai hoạt động đầu tư đảm bảo kế hoạch; đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn vướng, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ xem xét, quy định về việc thực hiện phân định đối với các xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương làm cơ sở xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách cho phù hợp. Bên cạnh đó xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của Chương trình theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung, dự án thành phần có nhu cầu bức xúc, cấp thiết đầu tư để triển khai đảm bảo lộ trình và phù hợp số vốn được giao nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả Chương trình.
Tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình cần giới hạn phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện để áp dụng làm cơ sở tính toán phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho từng địa phương. Tùy tình hình thực tế, nội dung, nhu cầu đầu tư đặc thù, từng địa phương sẽ xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ để áp dụng triển khai nhằm đảm bảo nguồn lực bố trí phù hợp nhất với nhu cầu đầu tư và việc đầu tư được trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy tối đa hiện quả đầu tư.
Đắk Lắk hiện có 130 xã/15 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I với 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình.