Kỳ 1: Áp lực vì hồ sơ xét tuyển tăng vọt
Theo khảo sát, năm học 2022-2023 hầu hết các trường THPT đều tiếp nhận số hồ sơ xét tuyển cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Việc đậu - rớt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả học sinh lẫn phụ huynh.
Phụ huynh lên mạng “bức xúc”
Cuối tháng 7, một phụ huynh tại huyện Tuy Đức đã đăng tải một bài viết, chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc con không trúng tuyển vào trường THPT trên địa bàn. Phụ huynh này bày tỏ rõ sự bức xúc khi cả huyện chỉ có một trường THPT, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn không có cơ hội vào học vì thiếu giáo viên và nhà trường đã tuyển đủ số lớp.
Nữ phụ huynh này viết: “Mình sống ở Tuy Đức 10 năm, sinh hoạt và tham gia đầy đủ mọi quy định của xã. Mình là công dân sinh sống tại khu vực viên giới, lại là gia đình dân tộc thiểu số, vậy cả nhà cho mình xin ý kiến, vì sao con mình nộp hồ sơ ra trường huyện (vì xã không có trường THPT) hơn một tháng rồi và mình nộp đúng thời gian quy định… nhưng đến giờ chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường bảo trả hồ sơ vì đã đủ học sinh và thiếu giáo viên”.
Vị phụ huynh này còn đặt thêm câu hỏi, trong trường hợp trường (Trường THPT Lê Quý Đôn - PV) không nhận học sinh thì trường nào sẽ nhận các con mình? Những học sinh bị dôi dư ra sẽ phải làm như thế nào ?
Ngay sau đó, Trường THPT Lê Quý Đôn đã thông báo tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 ngoài chỉ tiêu được giao. Trong số 35 học sinh đã tham gia dự tuyển vào lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn nhưng không trúng tuyển đợt 1 (trong đó có trường hợp con của phụ huynh trên), nếu có nguyện vọng học tập tại trường thì được tham gia xét tuyển đợt 2.
Năm nay, số lượng hồ sơ xét tuyển lớp 10 vào Trường THPT Đắk Glong tăng cao hơn mọi năm |
Tuy nhiên, không may mắn như vị phụ huynh trên, anh T.T.N ở TP. Gia Nghĩa phải cho con trai học tại trường THPT tại một huyện khác, cách nhà gần 40 km. Nguyên nhân là tất cả các trường THPT trên địa bàn TP. Gia Nghĩa đã xét tuyển đủ và số lượng hồ sơ xét tuyển năm nay tăng đột biến.
Anh T.T.N. chia sẻ: “Thật sự năm nay là “cuộc chiến” khốc liệt khi tham gia xét tuyển vào các trường THPT trên địa bàn thành phố. Để cháu đi học xa nhà vài chục km, trong khi cháu chưa biết đi xe gắn máy nên chúng tôi cũng chưa biết sẽ phải làm thế nào khi năm học mới sắp bắt đầu. Hy vọng ngành Giáo dục có hướng giải quyết phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phụ huynh trên địa bàn”.
Áp lực đậu, rớt
Theo ghi nhận, năm học 2022-2023, hầu hết các trường THPT đều gặp áp lực về tuyển sinh lớp 10. Không chỉ riêng những trường ngay trung tâm, nhiều trường THPT tại huyện Ðắk Glong, Cư Jút, Tuy Ðức… đều có số lượng hồ sơ xét tuyển tăng cao hơn năm trước; trong khi chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở vật chất và số lượng giáo viên không thay đổi.
Anh K’Thiền ở thôn 3, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) cho biết, con trai anh là K’Thông nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THPT Đắk Glong nhưng không trúng tuyển trong đợt 1. Không riêng gì con trai anh, gần 150 trường hợp khác cũng chung cảnh ngộ nên gia đình đã tính đến chuyện cho con ra thành phố đi làm. May mắn, sau khi nhà trường được giao thêm chỉ tiêu, con trai anh đã trúng tuyển đợt 2.
Anh K'Thiền (bên phải) kiểm tra danh sách trúng tuyển vào lớp 10 để tìm tên con trai mình |
Ngày 6/8, khi nhận được thông báo trúng tuyển của con trai, anh K’Thiền vẫn chưa tin nên phải chạy đến tận trường để xác nhận thông tin. Chỉ khi thấy tên con trai nằm trong danh sách trúng tuyển, người đàn ông dân tộc Mạ mới vỡ òa cảm xúc.
“Biết tin con trai trúng tuyển, vợ chồng tôi hạnh phúc lắm. Dù nhà nghèo nhưng vẫn cố gắng cho con đi học để có cơ hội thoát nghèo, chứ bố mẹ trước đây ít chữ, cuộc sống khó khăn lắm”, anh K’Thiền nói.
Có vui mừng, hạnh phúc, tất nhiên cũng sẽ có thất vọng, lo âu khi nhiều trường hợp học sinh không đậu vào các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Một số phụ huynh chấp nhận gửi con đến các tỉnh, thành phố khác để học trường tư thục. Nhưng đối với những phụ huynh quanh năm “chân lấm tay bùn”, không đủ khả năng chi trả số tiền học phí hàng tháng lớn, chấp nhận cho con học hệ giáo dục thường xuyên, học nghề dù tâm lý vẫn chưa thực sự thoải mái.
>> Kỳ 2: Nâng cao hiệu quả của công tác phân luồng học sinh