"Gỡ" khai trường cho khai thác bô xít

Lê Dung| 13/02/2023 06:05

Để bảo đảm nguồn quặng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp), các ngành, địa phương đang tập trung thực hiện giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại các khai trường.

Vướng tại các khai trường

Theo kế hoạch khai thác, trong quý I/2023, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV cần huy động diện tích khai thác bô xít khoảng 16,5ha. Nhưng đến 31/1/2023, Công ty mới có 7,41ha đất để khai thác.

Trong quá trình khai thác, các hộ dân trong khu vực thường xuyên cản trở để yêu cầu giải quyết một số nội dung như bố trí tái định cư; bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất…

Cụ thể, tại khai trường năm thứ 4, 6, vẫn còn 4/8 hộ thuộc diện bị cưỡng chế để thu hồi đất chưa chịu di chuyển chỗ ở để đòi các chế độ hỗ trợ khác không có theo quy định của pháp luật.

Riêng 33 hộ chưa bàn giao mặt bằng thuộc khai trường 4, 6, Công ty đã tổ chức vận động. Kết quả, đến nay đã có 10 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích 10,38ha.

Một số hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng để Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV khai thác quặng bô xít

Tại khai trường khai thác năm thứ 7, 8, một số hộ dân và doanh nghiệp trong khu vực thu hồi đất hiện vẫn chưa phối hợp để thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo kế hoạch.

Tại đây, hiện vẫn chưa hoàn thành việc kiểm tra, nghiệm thu công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, chứng thư định giá đất cụ thể và xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV Nguyễn Bá Phong cho biết: “Năm 2023, Công ty nâng công suất lên 740.000 tấn/năm. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng rất cấp thiết. Công ty phải có 4,1 triệu tấn quặng nguyên khai và 1,8 triệu tấn tinh quặng cung cấp cho nhà máy, với nền diện tích trên 70ha”.

Tính toán bước đi phù hợp

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để bảo đảm nguyên liệu sản xuất cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ, trước tiên cần phải thay đổi phương pháp giải phóng mặt bằng.

Trong đó, cần tách bạch 2 vấn đề. Đó là giải quyết tính bức thiết ở khai trường năm thứ 4, 6. Sau đó tính toán phương án giải phóng mặt bằng tiếp theo cho khai trường năm thứ 7, 8.

Năm 2023, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV cần hơn 70ha đất khai thác bô xít để duy trì nguyên liệu phục vụ sản xuất

Năm 2022, sau khi đưa vào phương án cưỡng chế 46 trường hợp tại xã Đắk Wer, có 45 trường hợp đã đồng thuận, chỉ còn cưỡng chế bắt buộc 1 hộ.

Năm 2022, Công ty đã được bàn giao khoảng 25ha và đã khai thác hết 20ha. Còn 5ha, Công ty dự kiến chỉ đủ khai thác trong khoảng 15-20 ngày.

Theo ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, cần phải phê duyệt được phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng ở khai trường năm 7, 8. Khai trường này có 214 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích 180ha.

Theo đó, đợt 1, huyện dự kiến thực hiện giải phóng mặt bằng của 77 hộ, với diện tích 74ha. Trong số này, có 40 hộ được bố trí tái định cư.

Dự kiến ngày 31/3/2023, huyện sẽ phê duyệt phương án chi trả đền bù cho dân để lấy mặt bằng. Cùng với phần diện tích dự trữ của Công ty ở bãi tập kết nguyên liệu, Nhà máy Alumin sẽ duy trì sản xuất được khoảng 1 tháng.

Như vậy, từ nguồn dự trữ và vận động này, cộng với 5ha trước đó, tình hình sản xuất đến 31/3/2023 của Công ty sẽ ổn định. Sau 31/3/2023, Công ty sẽ có 32ha ở khai trường năm thứ 7, 8.

"Huyện tiếp tục thực hiện phê duyệt giải phóng mặt bằng ở bước tiếp theo. Kế hoạch sản xuất năm nay của Công ty cần khoảng hơn 70ha là hoàn toàn có thể bố trí được”, ông Tứ cho biết.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Gỡ" khai trường cho khai thác bô xít
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO