Giúp học sinh học trực tuyến an toàn, hiệu quả

Thanh Hằng| 16/09/2021 08:41

Năm học 2021- 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã có phương án dạy và học trực tuyến để bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Để giúp học sinh học tập tốt, bảo đảm sức khỏe và an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử, phụ huynh cần chọn thiết bị phù hợp và dành thời gian giúp con học tập.

ADQuảng cáo

Sử dụng thiết bị điện an toàn

Năm học 2021-2022, con trai anh Bùi Vi Đa ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) vào học lớp 1. Một tuần lễ sau ngày khai giảng, cháu Bùi Anh Đức chính thức bước vào thời gian học trực tuyến nên vợ chồng anh Đa dành thời gian mỗi ngày để kèm cặp con học.

Bước vào thực hiện phương án học trực tuyến, anh Bùi Vi Đa đã hướng dẫn con trai những kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính và an toàn điện

Theo anh Đa, lo lắng nhất hiện nay của gia đình là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con trong thời gian học. Lo lắng này không phải không có căn cứ khi mới đây, một học sinh gặp tai nạn điện giật dẫn đến tử vong trong quá trình học trực tuyến.

Anh Bùi Vi Đa chia sẻ: “Cháu năm nay mới vào lớp 1 nên rất hiếu động, nhưng lại thiếu kỹ năng sử dụng máy vi tính, nhất là kỹ năng về phòng, chống các rủi ro về điện. Cuối tuần vừa qua, trước khi bắt đầu học trực tuyến, chúng tôi đã dành thời gian để hướng dẫn  những kiến thức cơ bản nhất để cháu biết cách sạc pin, cắm ổ điện và sử dụng phần mềm học trực tuyến”.

Chắc chắn hơn, gia đình anh Đa còn chuẩn bị thêm một chiếc máy tính dự phòng để con sử dụng trong trường hợp đang học thì máy bị lỗi kỹ thuật hay gặp sự cố về điện. Trong suốt quá trình con học bài, vợ chồng anh Đa vẫn thay phiên nhau theo sát con học và sẵn sàng giải quyết các sự cố phát sinh để bảo đảm an toàn cũng như hiệu quả của buổi học.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) lại có kinh nghiệm hơn trong việc quản lý con học trực tuyến tại nhà. Con gái chị Ngọc năm nay học lớp 7 và đã có gần 2 năm học trực tuyến khi tham gia các lớp học ngoại ngữ.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc thường xuyên kiểm tra máy tính và nguồn điện để việc học của con hiệu quả, an toàn nhất
ADQuảng cáo

Theo chị Ngọc, thời gian đầu khi con mới học trực tuyến, vợ chồng chị cũng khá lo lắng vì đây là hình thức học mới, khó kiểm soát được những nội dung mà con tiếp cận khi ngồi trước máy tính. Đặc biệt, do cháu còn nhỏ nên vấn đề an toàn điện khi sử dụng cũng khiến vợ chồng chị Ngọc cân nhắc, đắn đo.

“Ngay năm đầu tiên khi triển khai học trực tuyến, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống điện an toàn, nếu có sự cố thì toàn bộ điện trong nhà sẽ tự ngắt. Ngoài ra, theo định kỳ, gia đình kiểm tra tuổi thọ của pin máy tính, nếu pin bị “chai” thì sẽ thay pin mới để bảo đảm trong suốt một buổi học cháu sẽ không phải sạc pin”, chị Ngọc chia sẻ.

Vấn đề lưu tâm hiện nay của chị Ngọc vẫn là kiểm soát nội dung mà con tiếp cận, bởi phần lớn thời gian con gái tự học  trực tuyến. Thế nên, mỗi ngày chị Ngọc đều dành thời gian để trò chuyện, nhắc nhở và hướng dẫn con sử dụng máy tính hợp lý, hiệu quả.

Lựa chọn thiết bị phù hợp

Anh Trần Xuân Sơn, một người thành thạo về công nghệ tại TP. Gia Nghĩa cho biết, hiện nay thiết bị điện tử, thiết bị di động đã qua sử dụng vẫn là lựa chọn hàng đầu của phụ huynh trong thời điểm triển khai học trực tuyến. Bên cạnh giá thành rẻ, các thiết bị này đáp ứng tối thiểu được việc kết nối internet, truy cập vào phần mềm học trực tuyến. Tuy nhiên, các thiết bị đã qua sử dụng cũng gây ra không ít phiền toái cho phụ huynh, học sinh.

Để bảo đảm an toàn, thiết bị phải được sạc đầy pin trước khi học trực tuyến

“Thời gian sử dụng sẽ hạn chế do nhiều thiết bị đã “chai” pin, thậm chí pin bị phồng, có thể gây cháy nổ. Nhiều dòng máy cũ có chất lượng âm thanh, hình ảnh không sắc nét, tốc độ xử lý chậm hoặc không cài đặt được ứng dụng học trực tuyến. Để có một thiết bị tốt (dù là thiết bị đã qua sử dụng), phụ huynh nên mua tại những cửa hàng có uy tín và mua những sản phẩm có thương hiệu”, anh Sơn phân tích.

Bản thân anh Sơn cũng có em trai đang học trực tuyến. Anh chia sẻ thêm: “Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, phụ huynh nên kiểm tra trước ngoại hình của máy. Nếu có dấu hiệu bị nứt, vỡ màn hình, phồng pin thì phải thay thế bằng thiết bị khác. Đối với trẻ nhỏ, trong quá trình học, phụ huynh nên dành thời gian theo sát con”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp học sinh học trực tuyến an toàn, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO