Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực (kỳ 3): Giải pháp phát triển cây chủ lực bền vững

Thanh Nga| 24/12/2021 09:07

Từ thực tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung cho thấy, nông dân cần các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho các cây trồng chủ lực để phát triển bền vững.

Sản xuất có quy mô, gắn với thị trường

Mục tiêu của tỉnh là cây chủ lực phải đem lại nguồn thu nhập chủ lực cho người dân. Thế nhưng, thực tế hiện nay, đa số nông dân trồng cây chủ lực phải lấy công làm lãi.

Ông Mai Văn Tuế, ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết, với giá đầu tư như hiện nay, cà phê, hồ tiêu phải có giá khoảng 100 triệu đồng/tấn thì nông dân mới có lời, kinh tế mới ở mức khá.

Nông dân mong muốn được tham gia vào các HTX để phát triển kinh tế từ cây trồng chủ lực

Theo tính toán của ông Tuế, nếu mỗi năm nông dân bỏ ra 60 triệu đồng để đầu tư sản xuất cà phê, hồ tiêu thì phải thu về được 120 triệu đồng mới có lời ở mức khá. Vì thế, nông dân rất mong muốn Nhà nước có sự định hướng để làm sao người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập khá từ các cây trồng chủ lực.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, sản xuất của tỉnh chủ yếu vẫn đang ở quy mô nông hộ, chưa có tính liên kết cao, chưa xây dựng được các chuỗi sản xuất ổn định.

Sản xuất chưa gắn với đầu ra để tính toán, cân đối giữa giá thành và giá bán. "Đây đang là “nút thắt” lớn đối với ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như là sản xuất đối với các cây trồng chủ lực", bà Tình cho biết.

Đồ họa: Việt Dũng

Theo bà Tình, các chiến lược của ngành Nông nghiệp cũng như các nghị quyết phát triển nông nghiệp của Tỉnh ủy; các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh cũng đã tập trung để từng bước giải quyết các “nút thắt”.

Trước đây, sản xuất nông hộ riêng lẻ thì nay phải hướng tới tập trung, theo định hướng của Nhà nước, gắn với thị trường. Sản xuất phải có tính liên kết, tạo thành các vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đem lại thu nhập cho người dân.

Chú trọng khâu bảo quản, chế biến sâu

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, trước hết, sản xuất nông nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến khâu bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch để đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Nền nông nghiệp phải hướng đến sản xuất theo thị trường. Tức là sản xuất theo kế hoạch, có định hướng thì mới tránh được tình trạng cung vượt quá cầu, tránh thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến thu nhập không ổn định.

Đắk Nông đang rà soát để tích hợp quy hoạch ngành nông nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh để triển khai phát triển cho giai đoạn tới. Do đó, việc xác định quy hoạch, định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, các cây trồng chủ lực nói riêng cũng rất quan trọng.

Nông dân Đắk Song chú trọng trồng xen hồ tiêu với cà phê để nâng cao thu nhập. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nó sẽ khắc phục các hạn chế, giúp quản lý Nhà nước tốt hơn, sát sao hơn đối với ngành Nông nghiệp. Công tác chỉ đạo cũng sát hơn với người sản xuất, hạn chế được những rủi ro, bấp bênh của thị trường. "Đây là việc làm dài hơi, nhưng buộc phải thay đổi dần dần để hạn chế những bất cập của ngành nông nghiệp", bà Tình cho biết.

Đắk Nông đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản, trong đó chú trọng các sản phẩm chủ lực. Tháng 11/2021 vừa qua, sản phẩm hồ tiêu của Đắk Nông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chỉ dẫn địa lý.

Đây là một điểm nhấn quan trọng, đánh dấu một thành công lớn trong việc khẳng định chất lượng, thương hiệu, vị thế của hồ tiêu Đắk Nông trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xác định chiến lược, tầm nhìn dài hơi

Với mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao, Đắk Nông đã có những định hướng, giải pháp để tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực bền vững.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 04, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả.

Đồ họa: Việt Dũng

Trên tinh thần kế thừa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng chỉ rõ cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, theo chuỗi giá trị. Vì vậy, việc phát triển các loại cây trồng chủ lực của tỉnh cũng phải bám sát vào mục tiêu xuyên suốt đó.

Tỉnh tiếp tục có những định hướng, giải pháp cụ thể và dài hơi cho ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp phải luôn nhận thức được rằng, trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là đối với cây trồng chủ lực, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh, thời gian qua, những mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao đều đã áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến; ứng dụng một số quy trình sản xuất công nghệ cao.

Để phát huy kết quả này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, chú trọng thành lập các tổ hợp tác, tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp, người dân trong việc phát triển các cây trồng chủ lực.

Mục đích của phát triển cây trồng chủ lực theo hướng ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Ngoài cây chủ lực, nông dân đang tìm kiếm thu nhập từ các loại cây trồng khác, trong đó có sầu riêng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Các loại cây trồng chủ lực được nâng tầm, có vị thế trên thương trường, trở thành sản phẩm chủ lực sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là điều kỳ vọng của cả lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và bà con nông dân Đắk Nông.

"Muốn vậy, ngay từ bây giờ, việc xác định chiến lược, tầm nhìn, các hướng đi bài bản cho cây trồng chủ lực là điều hết sức cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp và cả nông dân”, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh nhấn mạnh.

Để cây trồng chủ lực có đầu ra ổn định, không bị lâm vào tình trạng cung vượt cầu, phải “giải cứu”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Đắk Nông đang kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tổ chức liên kết với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi giá trị.

Doanh nghiệp làm nòng cốt từ khâu giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến thị trường tiêu thụ. Tỉnh tiếp tục có những giải pháp cụ thể, đồng bộ để đồng hành với nông dân, tạo cho cây trồng chủ lực giữ vị trí xứng đáng trong cơ cấu cây trồng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-ky-3-giai-phap-phat-trien-cay-chu-luc-ben-vung-90757.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-ky-3-giai-phap-phat-trien-cay-chu-luc-ben-vung-90757.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực (kỳ 3): Giải pháp phát triển cây chủ lực bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO