Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực (kỳ 2): Hướng thay đổi

Thanh Nga| 23/12/2021 09:07

Không phải bất kỳ ở đâu, cây chủ lực nào cũng mất giá trị, gây thất vọng cho người dân. Tại nhiều hộ gia đình, HTX, với những cách làm mới, phù hợp với xu thế, cây chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất bền vững.

Thay đổi tư duy sản xuất

Tập hợp những nông dân có cùng quan điểm, chí hướng trồng cà phê sạch là cách mà HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) gặt hái thành công, phát triển bền vững trong những năm qua.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HXT, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của người dân Tây Nguyên. Người dân xã Thuận An cũng có bề dày khoảng 50 năm trồng cà phê.

Nhiều năm trước, trên địa bàn xã, nhiều nông dân chưa nghĩ tới việc sản xuất cà phê sạch. Người trồng cà phê chủ yếu bón phân hóa học, sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ, trừ sâu cho vườn cây.

"Trước khi thu hoạch, nông dân xịt thuốc kiến. Sau khi thu hoạch, quả cà phê tấp đống để mốc meo rồi mới phơi. Vì cách làm cà phê như thế, nên giá thành rất thấp, nông dân bị ép giá", ông Hạ chia sẻ.

Trước tình hình đó, HTX đã tập hợp nông dân, tổ chức tuyên truyền để người dân thay đổi cách làm, chuyển sang trồng và chăm sóc cà phê sạch. Năm 2012, HTX bắt đầu áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trồng cà phê theo tiêu chuẩn Thương mại Công bằng quốc tế (Fair trade).

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) chú trọng đầu tư chế biến cà phê bột để nâng cao lợi nhuận cho nông dân. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Đến nay, HTX đã liên kết với hơn 130 hộ nông dân để sản xuất 250 ha cà phê sạch đạt tiêu chuẩn Fair trade. Sản lượng cà phê đẹp của HTX mỗi năm đạt tầm 900 tấn.

Hiện nay, sản phẩm cà phê của HTX được xuất khẩu sang châu Âu với giá cao hơn thị trường. Thành viên trồng cà phê của HTX có lãi cao. Đơn cử như gia đình ông Hạ có 5 ha cà phê, năm nay thu 17 tấn cà phê nhân.

Ông Hạ bán cà phê với giá 43 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng, ông có lãi hơn 430 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn Fair trade, ông Hạ có lãi tầm 86 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất thông thường.

Hiện nay, HTX đang mở rộng quy mô sản xuất cà phê bột chất lượng cao để nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. “Dù có nhiều kết quả, nhưng HTX vẫn mong được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, công nghệ để sản xuất cà phê chất lượng cao hơn”, ông Hạ cho biết.

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Thành lập cuối năm 2018, nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song) đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu về liên kết xuất khẩu hồ tiêu hữu cơ.

Hiện nay, 100% sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX được xuất khẩu thông qua các công ty trung gian. Thị trường xuất khẩu của HTX gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Theo ông Đào Văn Nga, thành viên HTX, với 20 ha hồ tiêu hữu cơ, mỗi năm gia đình bán cho HTX từ 70 - 80 tấn sản phẩm hồ tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1,5-2 lần. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 5 tỷ đồng. Tính ra, mỗi năm gia đình ông lời thêm khoảng 2 tỷ đồng nhờ sản xuất tiêu hữu cơ.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên là đơn vị đầu tiên của tỉnh có sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của các nước Nhật Bản, Mỹ, Canada, EU.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên là đơn vị đầu tiên của tỉnh sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, Canada, EU

Trong những thời điểm giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp nhất là khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, sản phẩm hồ tiêu của HTX vẫn xuất khẩu với giá trên 80.000/kg.

Hiện nay, HTX có 77,5 ha hồ tiêu được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, Mỹ, Canada, EU. Trong 3 năm qua, HTX liên kết xuất khẩu khoảng 700 tấn hồ tiêu sang thị trường các nước khó tính, trong đó có châu Âu.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết, xuất khẩu hồ tiêu trực tiếp sang các thị trường đã cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm của đơn vị là mục tiêu của HTX. Thời gian tới, ngoài việc xuất khẩu tiêu đen, HTX sẽ tạo thêm các sản phẩm như tiêu sọ thành phẩm, tinh dầu hồ tiêu... để phục vụ xuất khẩu.

"HTX đã có một số đối tác ở các nước muốn đặt hàng với số lượng lớn. Vì thế, HTX đang có hướng mở rộng diện tích sản xuất hồ tiêu hữu cơ dự kiến khoảng 1.000 ha để có nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu", bà Thu chia sẻ.

Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 20 HTX đã và đang hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các HTX hình thành các mối liên kết với nông dân, giữa HTX với HTX, giữa HTX với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.

Những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh và các cấp chính quyền đã có những hoạt động hỗ trợ các HTX về nguồn vốn, trang thiết bị, công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các HTX, người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, bớt phụ thuộc vào thị trường.

Đồ họa: Việt Dũng

>> Kỳ 3: Giải pháp phát triển cây chủ lực bền vững

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-ky-2-huong-thay-doi-90720.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-ky-2-huong-thay-doi-90720.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực (kỳ 2): Hướng thay đổi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO