Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực

Thanh Nga| 22/12/2021 08:43

Đắk Nông có 4 loại cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, điều và cao su. Từ thực tế những năm qua, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp phát triển hợp lý hơn đối với cây trồng chủ lực.

Kỳ 1: Cây chủ lực mất thế chủ lực

Cây chủ lực từng một thời đem lại thu nhập cao cho người dân. Thậm chí, có giai đoạn người dân làm giàu được với cao su, hồ tiêu, cà phê... Thế nhưng, khi giá nông sản xuống thấp, thị trường bấp bênh, cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khiến nhiều nông dân trở nên bết bát vì cây chủ lực.

Điêu đứng vì hồ tiêu

Ông Nguyễn Thành Trung, thôn Đắk Lư, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) từng vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng hồ tiêu. Thế nhưng mấy năm nay, ông Trung lại lâm vào cảnh ngập nợ cũng vì hồ tiêu.

Theo ông Trung, khoảng 30 năm trước, ông từ quê hương Quảng Ngãi đến Đắk Song lập nghiệp. Gia đình ông mua đất, đầu tư trồng 15 ha hồ tiêu. Thời gian đầu, nguồn thu nhập từ diện tích tiêu rất tốt, cuộc sống gia đình khấm khá.

Thế nhưng sau đó, giá hồ tiêu bắt đầu xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 35.000 đồng/kg, khiến cho sản xuất thua lỗ. Cùng với đó, hơn 8/15 ha hồ tiêu của gia đình mắc bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ông Nguyễn Thành Trung (bên trái) đang “gồng mình” trả nợ do hồ tiêu mất giá, chết hàng loạt vào những năm trước (Ảnh chụp trước 27/4/2021)

Năm 2019, ông nợ ngân hàng hơn 5,6 tỷ đồng. Ông buộc phải bán vườn tiêu với giá rẻ mạt từ 200 - 400 triệu đồng/ha, nhưng cũng không ai mua. “Hồ tiêu cho tôi nhiều thứ, nhưng nó cũng lấy lại quá nhanh. Chỉ 3-4 năm hồ tiêu mất giá mà đã lấy hết tài sản của tôi, thậm chí phải gánh thêm nợ nần. Nguyện vọng cuối của tôi bây giờ là làm sao trả hết nợ là được, không nghĩ đến chuyện làm giàu nữa”, ông Trung chia sẻ.

Hiện nay, gia đình ông Trung còn khoảng 4 ha hồ tiêu. Theo tính toán của ông, năm nay ước thu về 7 tấn hạt tiêu khô. Giá tiêu đang ở mức 80.000/kg, doanh thu từ vườn tiêu của ông vào khoảng 560 triệu đồng.

Thế nhưng, tổng chi phí mà ông đã đầu tư cho vườn tiêu cũng đã ngốn hết tầm 500 triệu đồng. "Giá hồ tiêu có tăng thật, nhưng giá phân bón, nhân công lại tăng nhiều hơn. Do đó, người trồng tiêu cũng chẳng lời lãi bao nhiêu", ông Trung cho biết.

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, năm 2019, tại các tỉnh Tây Nguyên có hơn 10.000 ha hồ tiêu bị chết. Riêng tỉnh Đắk Nông, diện tích tiêu chết vào khoảng 2.500 ha, trong đó, Đắk Song là địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất, với gần 1.700 ha.

Ông Phạm Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 80% hộ dân vay vốn ngân hàng trồng cà phê, hồ tiêu. Vào thời điểm hồ tiêu chết nhiều, giá xuống thấp, nhiều hộ dân không có khả năng trả nợ.

Từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn phải bỏ vườn để đến nơi khác kiếm việc làm, cầm cự cuộc sống. Thậm chí, có nhiều gia đình còn vỡ nợ vì hồ tiêu.

Theo Quyết định 2096/QĐ-UBND ngày 18/12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông chọn các loại cây trồng cà phê, hồ tiêu, cao su và điều làm cây chủ lực. Tỉnh định hướng sản xuất các loại cây trồng này theo hướng quy mô hàng hóa, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

Cây chủ lực mất vị thế

Trong 5 năm qua, ngoài rủi ro do cây trồng bị bệnh thì nông dân lo lắng vì hạn hán, thời tiết, mất mùa và giá cả bấp bênh. Vườn cà phê 2 ha của ông Mai Văn Tuế, ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), năm nay năng suất tăng gấp đôi, nhưng gia đình vẫn không vui.

Theo ông Tuế, sản xuất cà phê 5 năm qua hầu như thua lỗ. Năm nay được tiếng là năng suất tăng gấp đôi, giá cũng tăng, nhưng tính ra hòa vốn. Bởi vì, giá vật tư các loại đều tăng cao, giá nhân công chăm sóc, thu hoạch cà phê cũng tăng, khiến chi phí đầu tư đội lên rất nhiều.

Với 2 ha cà phê, năm nay ông Mai Văn Tuế thu 8 tấn cà phê nhân, nhưng lời không nhiều vì chi phí đầu tư quá cao

Khi cà phê thất thế, ông Tuế phải trồng xen thêm cây ăn trái như sầu riêng, xoài, bơ, mít, chuối... để tạo thêm thu nhập. "Chính cây ăn trái đã “cứu” 2 ha cà phê và 500 trụ hồ tiêu. Lợi nhuận từ cây ăn trái tôi mua phân bón chăm sóc cho hồ tiêu và cà phê”, ông Tuế cho biết.

Tương tự, anh Trương Đình Nhật, thôn Nam Phú, xã Nam Đà (Krông Nô) cũng cho biết, gia đình phải chặt bỏ khoảng 700 cây cà phê để trồng 180 cây sầu riêng. Thu hoạch từ sầu riêng mỗi năm trên 100 triệu, giúp cho gia đình anh ổn định cuộc sống hơn.

Còn bà Tô Thị Hương, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cũng có 2 ha cà phê. Năm nay, gia đình thu được 4 tấn cà phê nhân và dự kiến có doanh thu 160 triệu đồng.

Thế nhưng, gia đình đã đầu tư cho vườn cà phê hơn 100 triệu đồng tiền phân, còn tiền công chăm sóc, thu hoạch chưa tính. "Trừ chi phí, gia đình còn khoảng 30 triệu đồng. Hơn 2 ha cà phê mà cả năm thu nhập như vậy không biết lấy gì để sống”, bà Hương chia sẻ.

Quanh năm vất vả với 2 ha cà phê, nhưng bà Tô Thị Hương chỉ lời khoảng 30 triệu đồng

Cũng theo bà Hương, trồng cà phê như hiện nay là không có lời, thậm chí có năm thua lỗ, nhưng nông dân không có lựa chọn nào. Bởi rất nhiều nông dân hiện nay, ngoài vườn rẫy, họ hầu như không có nhiều tài sản, vốn liếng và kiến thức để chuyển đổi sản xuất, tìm kiếm nguồn thu nhập khác.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, năm nay, giá cà phê trên 40.000 đồng/kg, cao nhất trong khoảng 10 năm qua. Thế nhưng, nông dân vẫn không thể vui.

Bởi vì, đa số nông dân phải vay ngân hàng hoặc vay các đại lý thu mua nông sản để mua phân bón, vật tư chăm sóc vườn cây. Còn những hộ nghèo, khó khăn thì phải cắt giảm chi phí đầu tư, nên năng suất cây trồng thấp.

Sản xuất cà phê ở Đắk Nông phần lớn vẫn diễn ra thủ công, chưa hiệu quả

Xoay đi tính lại bà con hầu như không có lãi. Đây là điều mà Hội Nông dân tỉnh rất trăn trở nhiều năm qua. Nông dân có tư liệu sản xuất, có sức lao động, nhưng làm không đủ ăn là điều thất bại.

"Thực tế này cần phải sớm được khắc phục hoặc có giải pháp để đưa ngành nông nghiệp phát triển hơn. Chúng ta phải làm sao để nông dân sống được với nông nghiệp, thậm chí làm giàu được", ông Gấm chia sẻ.

Đồ họa: Việt Dũng

Theo Sở NN - PTNT, đối với cây cà phê, tính toán sơ bộ, chi phí đầu tư bình quân khoảng 60 triệu đồng/ha/năm. Năng suất cà phê bình quân chung của cả tỉnh khoảng 2,7 tấn/ha. Với giá bán dao động từ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, người trồng cà phê chỉ lời khoảng 21- 48 triệu đồng/ha. Riêng năm 2021, do giá vật tư tăng cao, nên chi phí đầu tư mỗi ha cà phê lên tới 80 triệu đồng và hầu như người trồng không có lời.

Đối với hồ tiêu, chi phí đầu tư bình quân cũng 60 triệu đồng/ha/năm, năng suất bình quân chung của cả tỉnh khoảng 2,2 tấn/ha. Với giá bán thời điểm hiện nay khoảng 80.000 đồng/kg, thì mỗi ha hồ tiêu người trồng lãi khoảng 39 triệu đồng/năm.

Đồ họa: Việt Dũng

Giai đoạn 2018-2020, do giá cao su xuống thấp, nên người dân hạn chế việc đầu tư vào vườn cây. Đa số nông dân chỉ chăm sóc cao su ở mức duy trì, ổn định vườn cây. Còn cây điều, đa số nông dân trồng xen và đầu tư ít, nên năng suất trung bình đạt trên 1,1 tấn/ha, người trồng thu lời từ 25 đến 30 triệu đồng/ha/năm.

>> Kỳ 2:Hướng thay đổi

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-90697.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/giu-vi-the-cho-cay-trong-chu-luc-90697.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giữ vị thế cho cây trồng chủ lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO