“Giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Mnông

LÊ GIANG NAM| 08/05/2025 22:02

Ở tuổi 67, già làng N’Tol Ha Bang, dân tộc Mnông ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng vẫn ngày ngày miệt mài bên những sợi mây, nứa “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Với ông, đó không chỉ là công việc mà còn để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa sản phẩm đan lát phục vụ du lịch.

Già N’Tol Ha Bang miệt mài lưu giữ nghề đan lát truyền thống của người Mnông.Già N’Tol Ha Bang miệt mài lưu giữ nghề đan lát truyền thống của người Mnông.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đan lát và rèn dụng cụ lao động, từ nhỏ già N’Tol Ha Bang đã được cha mẹ dạy cho cách đan lát, vì thế lớn lên ông rất thành thạo. Già cho biết, xưa kia, đời sống đồng bào phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mọi vật dụng sinh hoạt đều được chế tác thủ công từ mây, tre, nứa để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Ngoài đan lát, già N’Tol Ha Bang từng gắn bó với nghề rèn, nhưng từ năm 2000 do sức khỏe yếu, ông chuyển sang tập trung vào đan lát.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, già N’Tol Ha Bang tâm sự: Nghề đan lát tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có tính cần cù và cẩn thận. Khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng bởi sản phẩm muốn bền, đẹp thì cây mây, cây tre không già và cũng không quá non. Sau đó, đến việc chẻ nan, vót nan, pha mầu… mỗi khâu đều có cái khó riêng. Đặc biệt là cách phối mầu, trang trí hoa văn, họa tiết nhằm tạo sự sắc sảo, tinh tế cho sản phẩm. Để hoàn thiện một chiếc gùi có nắp đậy hay hoa văn phải trải qua nhiều công đoạn như vào rừng tìm nguyên liệu; cây giang, cây mây được phơi khô, chẻ nhỏ rồi dát mỏng, thuận tiện cho việc đan lát. Thông thường, để hoàn thành mỗi chiếc gùi phải mất từ 3 đến 5 ngày, tùy thuộc vào kích thước.

Từ đôi bàn tay khéo léo của già N’Tol Ha Bang, hàng trăm sản phẩm như gùi, rổ, rá, nong, nia… ra đời, phục vụ đời sống và lao động của người dân trong buôn làng và các vùng lân cận. Mỗi sản phẩm không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn chứa đựng nét đặc trưng của dân tộc Mnông qua kiểu dáng, hoa văn và màu sắc. Những món đồ này còn được dùng làm của hồi môn hay quà tặng của các gia đình trong dịp cưới hỏi.

Khó khăn lớn nhất của già N’Tol Ha Bang hiện nay là không thể tự vào rừng lấy nguyên liệu, phải nhờ bà con trong thôn hỗ trợ để tiếp tục tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Mnông. Già luôn trăn trở về việc truyền dạy cho con cháu và thanh niên ở các xã Đạ Tông, Đạ M’Rông, Đạ Long; mong muốn con cháu tiếp nối nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đạ Tông Trần Văn Dũng cho biết, già N’Tol Ha Bang là một trong ít người còn duy trì nghề đan lát truyền thống. Với kinh nghiệm, năng khiếu, già đã tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao từ các vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày của đồng bào. Chính quyền địa phương đã ban hành nghị quyết về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghề đan lát. Xã Đạ Tông định hướng khôi phục nghề đan lát truyền thống, mở các lớp truyền dạy cho đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ các cơ sở sản xuất thủ công, giúp đưa sản phẩm ra thị trường, vừa tạo thu nhập cho người dân và phục vụ du lịch.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/giu-lua-nghe-dan-lat-truyen-thong-cua-nguoi-mnong-post878364.html
Copy Link
https://nhandan.vn/giu-lua-nghe-dan-lat-truyen-thong-cua-nguoi-mnong-post878364.html

Nổi bật

    Mới nhất
    “Giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Mnông
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO