Di sản - Truyền thống

Giữ lại tết xưa

Bảo Ngọc 26/01/2024 06:22

Tết đến, xuân về, mọi người đều hân hoan, tạm gác lại những lo toan thường nhật của cuộc sống để cùng gia đình tận hưởng không khí ấm cúng đoàn viên.

ADQuảng cáo

Nét đẹp tết xưa

Tết xưa của người Việt thường được xem là ăn tết. Mọi người chuẩn bị ăn tết từ rất lâu, có thể là ngay từ đầu năm. Chẳng hạn như nuôi con heo, gà… để chuẩn bị nguồn thực phẩm ăn tết. Vì người xưa mong tết không chỉ là để được nghỉ ngơi, mà quan trọng quanh năm vất vả, bận rộn, ăn uống đơn giản, chỉ có ngày tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho việc ăn tết rất được chú trọng.

Việc gói bánh chưng, bánh tét cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt buộc... cũng phải lo liệu trước, không đợi cận tết mới sắm.

Đến rằm tháng Chạp mọi nhà bắt đầu làm dưa hành (hoặc củ kiệu). Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa: "Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.

z5104447337188_82a9267f348570e3bf37810911820f47(1).jpg
Nhiều trường học các cấp ở Đắk Nông luôn quan tâm tổ chức các hoạt động đón tết cổ truyền để giáo dục ý nghĩa ngày tết, giúp học sinh hiểu hơn về ngày tết

Không khí tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi nhà nhà cúng ông Công ông Táo lên chầu trời. Ngày 24 trở đi càng thêm rộn rã, trẻ con được mua sắm quần áo, giày dép mới. Người lớn lau dọn bàn thờ tổ tiên; tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm...

Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà mổ heo, gói bánh chưng, nấu chè, kho thịt, làm mứt… Suốt thời gian này, việc chung đụng mổ heo, trâu (thường là nghé) hay bò (bê) tạo ra sự kết nối cộng đồng, làng xóm và họ hàng thân thiết hơn.

z5104471251694_622783fffc65ebffb0ba548d1da12c87.jpg
Ảnh tư liệu

Tất bật và có phần vất vả để chuẩn bị tết, nhưng tâm lý chung của mọi người đều hân hoan, phấn khởi vì đã có những thứ cần thiết để đón một cái tết no ấm. Mọi công việc chuẩn bị ăn tết thu hút được cả cộng đồng tham gia, tạo nên một bầu không khí rộn ràng khắp nơi.

Chiều tối 30, mọi người đã nhốt gà, chuẩn bị nếp, đậu để nấu xôi chè làm mâm cỗ đón giao thừa. Sau khi thắp nhang, đón “ông bà ông vải”, ăn uống, người Việt có phong tục xông nhà ngày 1 tết. Theo phong tục, người xông nhà là người đầu tiên đến nhà sau giao thừa.

Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới, tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng. Vì thế, ngay từ trước tết chủ nhà thường hẹn người quen biết, đẹp người đẹp nết, gia đình hạnh phúc, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.

Các ngày đầu năm mới, các hoạt động vui xuân, đón tết được tổ chức. Mọi người hân hoan, háo hức tham gia mà tạm quên đi những lo toan cơm áo, gạo tiền trước mắt để hòa chung niềm vui, bầu không khí tươi mới của đất trời khi tết đến, xuân sang…

Giữ tết xưa trong tết nay

z5104195912240_e956efe9dff77f8e3522c891c469edf0(1).jpg
Học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (TP. Gia Nghĩa) trang trí khuôn viên trường học để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn 2024
ADQuảng cáo

Mỗi năm, cứ đến khoảng 20 tháng Chạp, gia đình anh Trần Quyết Thắng (SN 1970), thôn Rừng Lạnh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) lại chọn những cây lồ ô cao, chắc chắc và có độ cong phần ngọn nhất định để làm cây nêu trước hiên nhà.

Anh Thắng quê ở Nghệ An, vào sinh sống ở đây cũng ngót nghét 30 năm nhưng anh luôn nhớ đến hương vị tết cổ truyền ở quê hương. Những nét đẹp của tết truyền thống ở quê như cúng cơm lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng Chạp; cúng cơm đêm giao thừa; nhờ người xông đất gia đình mình… luôn được anh thực hiện trong dịp tết. “Bây giờ, các con tôi đã lớn, đứa thì đi làm, đứa thì học cấp 3, vợ chồng tôi vẫn chỉ dạy các cháu những việc làm truyền thống trong dịp tết về”, anh Thắng cho biết.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Phi Sỹ, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức TP. Gia Nghĩa, đang thu gom củi để chuẩn bị nấu bánh chưng đón tết. Ông Sỹ từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông sinh sống hơn 20 năm nay. Ông là người hoài cổ và yêu thích các nét đẹp truyền thống.

Cứ mỗi độ xuân sang, ông lại chuẩn bị nhiều thứ để đón tết. Riêng việc gói và nấu bánh chưng, ông chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Từ nếp nương, đậu xanh, hành củ khô... ông đều đặt mua từ ngoài quê. Việc lựa chọn thịt heo để làm nhân, ông cũng phải đặt hàng người nuôi, bảo đảm con heo đủ trọng lượng cần thiết…

Tầm khoảng 28 tháng Chạp, ông bày biện trước sân nhà đầy đủ các vật dụng, nguyên liệu để gói bánh. Không những hai người con của ông mà nhiều cháu nhỏ hàng xóm, kể cả cháu lớn nhà tôi cũng háo hức ngồi xem và phụ giúp ông ấy.

Việc nấu bánh thì ông Sỹ rất chăm chút. Bình thường người khác nấu tầm 10-12 giờ, nhưng ông ấy nấu khoảng 24 giờ. Ông thức nguyên đêm để canh nồi bánh, mấy đứa nhỏ thì không thức theo nổi, khoảng 11 giờ đêm thì đi ngủ hết. Lúc đó, mấy anh em hàng xóm mới ngồi lại, lai rai mấy ly rượu, đậu phộng và ngồi tám chuyện đến nửa đêm.

Hôm sau khi vớt bánh, ông để trên rổ cho ráo bớt nước, rồi lót bìa các tông, xếp bánh thành hai tầng, lấy một tấm gỗ đè lên trên và đè thêm ít đá để dằn bánh cho vuông vức, khô ráo. Năm ngoái, đứa con trai lớn của ông đang du học bên Nhật, khi gói bánh, vợ ông gọi điện zalo cho cu cậu và một số bạn bè người Nhật xem trực tiếp.

"Tôi thấy, các bạn trẻ ở Nhật đều tỏ ra thích thú, ngưỡng mộ trước hoạt động này. Tiếc là ở Nhật xa quá, nếu không năm nay, tôi cũng sẽ gửi ít bánh chưng qua cho con trai và bạn bè người Nhật của cháu”, ông Sỹ cho hay.

Việc lưu giữ tết xưa trong thời đại ngày nay cũng được cả xã hội quan tâm. Việt Nam giữ lại tết là quan trọng vì nó đóng vai trò chính trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, giữ gìn đặc trưng lịch sử và nhận thức về bản sắc dân tộc. Việc này còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và tinh thần cho cộng đồng.

z5104467451677_3bd1311103f218cb2f221469f9dcaf40(1).jpg
Việc lưu giữ những nét đẹp của tết truyền thống có ý nghĩa trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ (Ảnh tư liệu)

Việc giữ lại tết xưa còn là một yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch, tăng cường nguồn thu nhập cho các địa phương. Việc này còn tạo ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và nghệ thuật truyền thống.

Quá trình lưu giữ những nét đẹp của tết xưa là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống và giá trị văn hóa của đất nước. Nó giúp người Việt Nam tự hào về bản sắc văn hóa của mình và tăng cường nhận thức về giữ gìn và phát triển di sản văn hóa.

z5104468436491_e0526282fcddb714fce819442ee10a0f(1).jpg
Cây nêu ngày tết, một nét đẹp truyền thống được người dân Gia Nghĩa lưu giữ và trang trí vào dịp tết về

Để tiếp tục giữ những nét đẹp tết xưa, thiết nghĩ, người dân Việt cần nắm vững những nét tết truyền thống của dân tộc mình. Việc tổ chức các khóa học, buổi thực hành để truyền đạt kỹ năng làm tết, nhất là tết cổ truyền cho thế hệ trẻ cũng rất cần thiết.

Trong dịp tết, ưu tiên sử dụng nguyên liệu truyền thống để làm tết, giữ cho sản phẩm gần gũi với nền văn hóa; sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá và giới thiệu giá trị của tết truyền thống.

Tạo sự quan tâm từ giới trẻ đối với tết cổ truyền bằng việc kết hợp yếu tố sáng tạo và hiện đại vào nghệ thuật tết; tổ chức các sự kiện hoặc cách thức để khuyến khích giới trẻ tham gia làm tết truyền thống…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ lại tết xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO