Văn hóa

Giữ gìn văn hóa dân tộc - Cách làm ở Tâm Thắng

Mỹ Hằng 04/03/2024 06:25

Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) luôn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong xã.

ADQuảng cáo

Xã Tâm Thắng hiện có 3.142 hộ với hơn 15.000 nhân khẩu sinh sống tại 15 thôn và 4 buôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 26%. Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã Tâm Thắng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa.

hinh1-3-(1).jpg
Các hoạt động giao lưu, tổ chức văn nghệ luôn được chính quyền xã Tâm Thắng phối hợp tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân

Xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng. Tâm Thắng quan tâm thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hủ tục…

ADQuảng cáo

Địa phương quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi giải trí cho người dân. Trong đó, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh và người dân tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ rước K'pan... Nghệ nhân Y Sim Ê ban, buôn Nui, xã Tâm Tắng cho biết: "Khi những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được xã tổ chức, Nhân dân chúng tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi và biết đến văn hóa các dân tộc khác trên địa bàn. Hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm, mọi người gần gũi, gắn bó và giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Tôi sẽ tuyên truyền, giáo dục con cháu biết học hỏi, giữ gìn văn hóa dân tộc mình".

hinh1-1-(1).jpg
Đội cồng chiêng buôn Nui luôn có mặt tham gia các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức

Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, xã Tâm Thắng chú trọng tạo không gian phục vụ tổ chức các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể, phát triển phong trào thể dục thể thao truyền thống. Hiện tại, hầu hết các thôn, buôn có nhà văn hóa được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Đặc biệt, xã Tâm Thắng rất quan tâm đến giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh. Việc ra đời các câu lạc bộ cồng chiêng, dạy thổ cẩm cho thế hệ trẻ đã thu hút các bạn trẻ tham gia. Hiện nay, trên địa bàn 4 buôn của xã Tâm Thắng còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gồm: 7 bộ cồng chiêng cổ; hàng chục nhà dài thuyền thống, trong đó có nhiều ngôi nhà dài cổ ở buôn Buôr, buôn Ea Pô... Các buôn đều có đội cồng chiêng, đội văn nghệ, với sự tích cực tham gia của các nghệ nhân ưu tú như Y Sim Ê ban, H'đá Êya... Tâm Thắng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết: "Qua nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay nhận thức về việc bảo tồn văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc trong xã đã thay đổi rõ nét. Nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa được tổ chức, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Nhiều nghề thủ công truyền thống được duy trì. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo hướng văn minh, hiện đại".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn văn hóa dân tộc - Cách làm ở Tâm Thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO