“Giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức

Hoàng Hoài| 07/12/2022 08:40

Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc ngày càng nhiều, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp “giữ chân”.

Nghỉ việc do lương thấp

Y tế là một trong những ngành có nhiều cán bộ, nhân viên xin thôi việc, chuyển công tác, với 88 trường hợp. Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do thu nhập thấp, chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống; chính sách thu hút nguồn nhân lực ở các cơ sở y tế tư nhân tốt hơn, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao. Tình trạng y, bác sĩ xin thôi việc, chuyển công tác khiến các cơ sở y tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như áp lực công việc cao, cường độ lao động nhiều... Nhiều bác sĩ nghỉ việc cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân bị ảnh hưởng...

Tương tự, ngành Lâm nghiệp của tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc ngày càng tăng. Năm 2021 - 2022, toàn ngành có 143 trường hợp xin nghỉ việc, chuyển việc. Môi trường làm việc nguy hiểm, áp lực, cộng với thu nhập thấp, điều kiện đi lại, ăn ở gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Việc thiếu nhân lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Y tế là một trong những ngành có cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển công tác nhiều. Ảnh: Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thăm, khám cho bệnh nhân

Xây dựng chính sách phù hợp

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, phát biểu thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 – 2025 mới đây,  bà Nguyễn Thị Thu Hường, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành thi tuyển và tuyển dụng để bù đắp vào số lượng thiếu hụt của các ngành. Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, các huyện cơ bản đã xây dựng kế hoạch để tuyển dụng. Ngành Lâm nghiệp, nghỉ việc chủ yếu là cán bộ bảo vệ rừng, thu nhập thấp, nên Sở đề xuất xây dựng chính sách tăng thêm tiền giao khoán bảo vệ rừng để các lực lượng này có thêm nguồn thu bảo đảm cuộc sống. Riêng ngành Y tế chưa có kế hoạch tuyển dụng và hợp đồng với các nhân viên lao động.

Bà Hường cũng đề nghị các ngành liên quan chủ động đề xuất các chính sách phù hợp với đơn vị mình. Bà Hường viện dẫn, đối với ngành Y tế, trước đây, tỉnh đã có chính sách thu hút, ưu đãi bác sĩ. Qua 5 năm thực hiện, tỉnh đã chi 20 tỷ đồng tập trung vào thu hút bác sĩ và chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, về chính sách đãi ngộ, ngành Y tế lại rải ra tất cả các đối tượng từ hành chính đến y, bác sĩ. Trong khi đó, chính sách này cần ưu tiên từng đối tượng, nhất là bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh hoặc trực đêm, trực ngày. “Vừa qua, Sở Y tế có một báo cáo với nhiều nội dung đề xuất, Sở đang phối hợp với các ngành liên quan cùng ngành Y tế bàn bạc, tìm các giải pháp để tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn”, bà Hường cho biết.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, sau khi Trung ương ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), UBND tỉnh giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/giu-chan-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-96478.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/giu-chan-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-96478.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        “Giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO