Thời gian qua, tại các địa phương, nhiều loại giống mới đã được thay thế cho giống cũ như: lúa ST24, ST25; ngô DK 9955s, DK 6919s, NK 66BT; đậu cao sản; cà phê TR4, TR9, TRS1 cho năng suất cao gấp 2 lần so với giống cà phê đại trà…
Các huyện, thành phố đều nhanh nhạy trong việc chuyển đổi giống, cây trồng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Đơn cử, giống lúa RVT tại một số vùng, sau một thời gian sản xuất đã bị thoái hóa.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp các huyện đã sưu tầm những giống lúa mới như ST24, ST25 và khuyến khích người dân thay thế giống lúa cũ. Từ đó, người dân các huyện đã mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa mới này lên hàng trăm ha.
Gia đình ông Hoàng Châu Hồng, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã tuyển chọn giống cà phê cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất |
Còn với cây ngô, thời gian qua, các địa phương đều linh hoạt chuyển đổi giống, mùa vụ. Tại các huyện như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil… người dân tập trung thâm canh các giống ngô lai DK 888, V98-2, NK66, NK67, NK72.
Ngoài ra, người dân các huyện còn trồng các giống ngô biến đổi gen, ngô F1... cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, ngô F1 đạt năng suất trung bình từ 8 – 9 tấn/ha/vụ, cao hơn các giống ngô thông thường từ 15 – 20%.
Ngô F1 cũng mang lại lợi nhuận cho bà con từ 27 – 33 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 5 – 6 triệu đồng so với giống ngô thông thường. Các giống biến đổi gen, F1 đều có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất khoảng 10 – 15% so với ngô thông thường.
Người dân các huyện, thành phố đã thực hiện thay thế vườn cà phê thoái hóa, kém năng suất sang các giống mới như: TR4, TR9, TR11, TR12; cà phê chè TN1, TN2. Các giống cà phê này đều có phẩm chất tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh và đã qua khảo nghiệm.
Người dân cũng nắm vững hơn quy trình kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, bón phân, phòng trừ dịch bệnh cho từng loại cà phê, từng khu vực theo quy trình sản xuất bền vững...
Người dân xã Đắk D'rông (Cư Jút) sản xuất lúa ST24 đạt năng suất cao |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, những kết quả đạt được từ chuyển đổi giống, cây trồng tại các địa bàn là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng tên tuổi, thương hiệu cho nông sản Đắk Nông.
Tiến sỹ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, tỉnh Đắk Nông có rất nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, thực tế hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn thấp.
Số lượng nông sản của tỉnh có thương hiệu, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và thế giới còn rất ít. Muốn khắc phục được những hạn chế này, Đắk Nông phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Để làm được điều này, trước hết, tỉnh phải tạo tiền đề từ việc chuyển đổi giống, cây trồng phù hợp...