Giới trẻ với lịch sử dân tộc
Hôm vừa rồi đứng lớp dạy, tôi có hỏi một vài sự kiện lịch sử tiêu biểu liên quan đến cội nguồn văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc. Vậy mà có em chẳng hề nhớ gì, biết gì! Điều đáng nói là các em ở đây là những cô cậu sinh viên, là thế hệ thanh niên đang hội tụ đầy đủ cả về sức lực lẫn trí tuệ, là chủ nhân tương lai của đất nước…
Thật đáng buồn là trong giới trẻ hiện nay, vẫn còn số đông người ít quan tâm, thậm chí thờ ơ, vô cảm với lịch sử dân tộc, với cội nguồn, quá khứ. Dường như, các bạn quan tâm, biết nhiều đến những thú vui giải trí thời thượng, những nghệ sĩ đình đám trong giới showbiz, những ồn ào đang diễn ra ngoài xã hội, những đòi hỏi cho cá nhân… hơn là ý thức về cộng đồng, dân tộc, lịch sử đất nước. Hễ nghe ai nói chuyện quá khứ là các bạn có thể lắc đầu, tặc lưỡi bảo: “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi”; hay “Suốt ngày cứ ăn mày dĩ vãng, than nghèo, kể khổ hoài”, “Quá khứ có mang ra ăn được đâu mà cứ đào bới lại miết!”,… Thậm chí, nhiều bạn trẻ có học, đã trưởng thành, vẫn nghĩ và hỏi những câu ngô nghê như trẻ lên 3 về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Những giá trị văn hóa truyền thống luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Những giá trị ấy sở dĩ còn được lưu truyền là vì chúng luôn gắn liền với các mốc lịch sử, các địa danh, hiện vật cụ thể. Bởi vậy, nhớ được những mốc lịch sử của đất nước chính là bước khởi đầu và cũng là một trong những cách đơn giản nhất giúp mỗi người trong hiện tại giữ được mối liên hệ với quá khứ, tìm hiểu và tiếp thu được những giá trị tinh hoa, bản sắc của văn hóa dân tộc.
Quốc gia, dân tộc, không phải là một cái gì trừu tượng, xa xôi, vô hình. Đó trước hết là một tổ chức có hệ thống, với sự góp mặt của những con người cụ thể cùng chung cội nguồn văn hóa, trong đó có mỗi chúng ta. Vì thế, nếu mỗi cá nhân quên đi lịch sử dân tộc, điều đó cũng đồng nghĩa là chúng ta đang tự tách mình ra khỏi quốc gia; làm cho hình ảnh dân tộc dần trở nên mờ nhạt trước cộng đồng quốc tế.
Việc mỗi người, nhất là với giới trẻ thờ ơ, vô cảm, xem thường lịch sử dân tộc sẽ là mối nguy hại sâu xa và nặng nề. Quên đi lịch sử, quá khứ, cội nguồn dân tộc, chúng ta sẽ chẳng thể hiểu rõ mình là ai, tự hào về cái gì, để làm gì… Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc vì thế cũng sẽ ngày càng mai một. Chúng ta sẽ trở nên lạc lõng và vô nghĩa trên chính quê hương của mình! Trái lại, nếu có hiểu biết và biết ơn đối với lịch sử, quá khứ, cội nguồn dân tộc, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, biết tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của hiện tại từ những giá trị của quá khứ, biết cố kết cộng đồng để đủ sức đương đầu với thiên tai, địch họa, làm nên những điều lớn lao.
Giáo dục lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống cho mọi người, nhất là với giới trẻ hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên và phải xem đó như là một nhiệm vụ tiên quyết. Tuy nhiên, để nâng cao tính hấp dẫn và hiệu quả cho nội dung giáo dục này thì các tổ chức, cá nhân cũng cần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy, tuyên truyền theo hướng linh hoạt và đa dạng hóa, gắn lý thuyết với thực tiễn, với sự gần gũi, thiết thực trong đời sống hàng ngày của mỗi người.
Thời gian đang dần trôi về những ngày cuối tháng tư. Với những ai có tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc, hẳn sẽ không thể nào quên ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) và ngày giải phóng miền Nam 30/4, để ta biết tự hào về dòng giống con Lạc cháu Hồng, biết nhớ ơn đến bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân!