Phiên giao dịch việc làm nhằm định hướng nghề nghiệp, kết nối người lao động chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định, thu nhập thấp với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong hai phiên giao dịch, có 42 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký nhu cầu tuyển dụng hơn 2.200 vị trí việc làm. Các lao động sau khi tìm hiểu, được tư vấn tại phiên giao dịch sẽ liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm tại hai huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông thuộc kế hoạch hỗ trợ giới thiệu việc làm bền vững (Tiểu dự án 3 – Dự án 4, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững) cho người lao động hiện đang cư trú tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
“Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tuyển dụng và người lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin. Đây còn là cơ hội tốt cho các lao động trẻ tiếp cận, được cung cấp thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó trau dồi, học hỏi, trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức, thích nghi được với các thị trường việc làm khác nhau”, bà Phạm Ngọc Lan chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Kon Tum, một bộ phận lớn thanh niên ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu việc làm hoặc chưa có việc làm ổn định. Nguyên nhân do người lao động thiếu thông tin, hạn chế về trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ít có điều kiện tiếp cận và sử dụng tư liệu lao động, thiết bị hiện đại nên chỉ làm được những công việc giản đơn, theo vụ việc với mức lương thấp, đời sống khó khăn. Thậm chí một số thanh niên không có việc làm đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
“Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung tâm, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đối với người lao động tại các vùng khó khăn của tỉnh Kon Tum. Phiên giao dịch là kênh chính thống để người lao động nắm bắt thông tin, lựa chọn cho bản thân nghề nghiệp, việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Trung Thuận khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đã tư vấn việc làm cho trên 5.000 lao động; giới thiệu việc làm thành công cho 348 lao động, trong đó có 258 lao động là người dân tộc thiểu số; giới thiệu gần 100 lao động đi làm việc ngoài nước.