Đánh bắt cá trên sông Mekong gần Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á dọc sông Mekong cần chia sẻ dữ liệu về dự trữ nước và dữ liệu vận hành đập thủy điện trên dòng sông này.
Đây là khuyến nghị mà nghiên cứu mà Ủy hội sông Mekong đưa ra ngày 9/10, trong bối cảnh mực nước ở sông này đã giảm xuống mức kỷ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của con người.
Theo nghiên cứu chung giữa ủy hội và Trung tâm Nghiên cứu Nước thuộc Hợp tác Mekong-Lan Thương, mực nước sông Mekong trong giai đoạn 2019-2021 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 thập kỷ qua. Điều này đang ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp, thủy sản và sinh kế của hơn 60 triệu người ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Nước, sự sụt giảm nói trên là do các yếu tố tự nhiên như hình thái mưa, tỷ lệ mất nước do bốc hơi và các đặc điểm khác liên quan đến địa thế địa hình.
Ngoài ra, trung tâm này còn viện dẫn các hoạt động của con người như phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nước cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.
Do đó, nghiên cứu chung khuyến nghị các nước Đông Nam Á nói trên và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về mức trữ nước và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Mekong.
Điều có thể giúp các cộng đồng dưới hạ nguồn chuẩn bị và thích ứng kịp thời trước những thay đổi đột ngột về lượng trữ nước. Qua đó, các nước có thể sẽ cải thiện được công tác quản lý con sông dài nhất khu vực Đông Nam Á với tổng chiều dài gần 4.900km.
Theo số liệu của nghiên cứu, hiện có 13 đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong./.