Chính trị

Giỗ Tổ Hùng Vương và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Mẫn Doanh 17/04/2024 10:30

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mang giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc của dân tộc ta. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để nhìn nhận nhiều hơn về đạo lý này.

Biết ơn các bậc tiền nhân

Hơn 20 năm qua, anh Phạm Hữu Sinh, dân tộc Mường, thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa vẫn luôn hướng về đất Tổ với mong ước làm rạng danh người con Phú Thọ. Anh và gia đình nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương thứ hai. Khắc sâu công ơn của các bậc tiền nhân và phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, gia đình anh thờ cúng các vua Hùng, làm lễ giỗ Tổ vào dịp 10/3 âm lịch hằng năm.

img_1147(1).jpg
Người dân xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đoàn kết, cùng nhau chuẩn bị ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3

Với lòng biết ơn các Vua Hùng “đã có công dựng nước” như lời Bác Hồ dạy, lớp cháu con có nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả “cùng nhau giữ lấy nước”. Từ lâu, lời căn dặn của Bác luôn được em Nguyễn Thị Huệ, học sinh lớp 10 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa làm “kim chỉ nam” cho tư tưởng và hành động của mình. Em luôn tích cực học tập, năng nổ tham gia các hoạt động trong nhà trường và phong trào đoàn, xã hội.

Huệ tâm sự, thông qua việc học lịch sử và văn hóa, em cảm thấy tự hào về dân tộc mình, hiểu rõ hơn về nguồn gốc của mình. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” giúp em có cái nhìn sâu hơn về văn hóa Việt Nam và tôn trọng những giá trị truyền thống. Để có đất nước liền một dải và tươi đẹp như hôm nay, dân tộc ta đã trải qua hơn bốn ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong các cuộc đấu tranh ngoan cường ấy, lớp lớp thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương giữ gìn độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn.

Là một học sinh chuyên Sử, gắn bó rất nhiều với các dòng thời gian, sự kiện trong quá khứ, em cảm nhận sâu sắc quá trình cống hiến, sự hy sinh của người đi trước và những truyền thống, đạo lý về nguồn cội của dân tộc. Đối với em, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vận dụng vào hiện thực đơn giản là những ký ức được khắc lại trong tâm trí, những lời nói tri ân với “ngọn nguồn”. Vì vậy, em luôn cảm thấy biết ơn và khắc ghi đạo lý ấy trong quá trình học tập và trưởng thành của mình.

Nguyễn Thị Huệ, học sinh lớp 10 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa

t8.6.1.5(1).jpg
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa nỗ lực học tập, đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau xây dựng đất nước

Gần 20 năm làm công tác bảo tàng, chị Nguyễn Thị Huyền Trâm, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ bảo tàng - Bảo tàng tỉnh Đắk Nông luôn mang trong mình sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Những hiện vật chiến tranh của các cựu chiến binh hiến tặng tại Bảo tàng luôn giúp chị thấy được sự hy sinh của thế hệ trước trong các cuộc kháng chiến đầy mất mát của cả dân tộc.

Vì thế, với chị, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" chính là lòng biết ơn. Chị càng yêu quý hơn sự sống của ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của thế hệ hôm qua. Với sự biết ơn đó, chị luôn yêu thương, trân quý những giá trị của cuộc sống hiện tại, rèn giũa bản thân, giáo dục con cái những điều hay lẽ phải. Lòng biết ơn là bài học đầu tiên để chị dạy cho con.

“Từ ngàn đời nay, "Uống nước nhớ nguồn" vẫn luôn là một đạo lý được gìn giữ và phát huy bởi bao thế hệ người dân Việt Nam. Đạo lý này chính là lòng biết ơn. Đó cũng là điều cơ bản, cốt lõi hình thành nên nhân cách, tạo nên một xã hội tốt đẹp. Ngoài tri ân tới những người có công với đất nước, lòng biết ơn còn là những điều gần gũi trong cuộc sống. Sự biết ơn với ông bà, cha mẹ, những người trong gia đình luôn yêu thương, che chở cho chúng ta. Biết ơn những người bạn đã cùng ta chia sẻ. Biết ơn những người thầy đã dạy ta những điều hay lẽ phải. Biết ơn cuộc sống đã cho chúng ta những điều tốt đẹp mỗi ngày,...”, chị Trâm chia sẻ.

“Uống nước nhớ nguồn” gắn với công tác đền ơn đáp nghĩa

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã và đang được giữ gìn, phát huy vô cùng mạnh mẽ. Mỗi năm, vào ngày 10/3 âm lịch, người dân lại hướng về quê cha, đất Tổ với niềm mong ước cho đất nước được phồn thịnh…

Điển hình hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, toàn dân lại dành những giây phút thiêng liêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã trở thành một nét đẹp tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được các cấp, các ngành, Nhân dân trong tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các địa phương xây dựng nhà tình nghĩa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam; cấp vốn và tạo điều kiện cho những thương bệnh binh phát triển kinh tế…

img_0655(1).jpg
Các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các gia đình chính sách, có công cách mạng (Ảnh: Đồng chí Y Quang BKrông, UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông thăm, tặng quà ông Vũ Văn Thống là bố của liệt sĩ, xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil)

Chị Nguyễn Thị Minh Thương, Bí thư Đoàn phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta được viết nên bằng máu và nước mắt của bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ. Những ngày kỷ niệm 27/7, 30/4 hay dịp lễ, tết…, đoàn viên thanh niên chúng tôi thường xuyên phối hợp đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Lớp con cháu đi sau được tận hưởng “trái ngọt” như ngày hôm nay cần phải biết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bởi nó chính là gốc rễ cội nguồn của mọi giá trị đạo đức nhân văn trong xã hội”.

Theo anh Trần Việt Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm tuổi trẻ tỉnh Đắk Nông có nhiều hoạt động tri ân. Các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động, công trình phần việc thanh niên để thể hiện sự biết ơn, tri ân của thế hệ trẻ với các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công dựng xây đất nước.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, 100% liên đội trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện chương trình “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” thu hút sự tham gia của hơn 5.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng đến từ 208 liên đội. Đây là hoạt động tuyên truyền về truyền thống anh hùng và thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Tổ chức Đoàn các cấp tiến hành thăm, tặng 1.236 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong với tổng trị giá 340 triệu đồng.

Không chỉ trong những dịp lễ lớn mang tính dân tộc mà còn ngay trong đời sống gia đình, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cũng được phát huy sâu rộng. Dịp lễ, tết, giỗ chạp mà tiêu biểu nhất đó là dịp Tết Nguyên đán không chỉ là thời gian kết thúc một năm cũ, mở ra một năm mới mà nó còn là những ngày con cháu tưởng nhớ về cội nguồn cha ông. Các lễ hội truyền thống khắp cả nước diễn ra quanh năm cũng là một cách thức để con cháu thể hiện niềm biết ơn sâu sắc tới những người đã khai hoang mở lối cho thế hệ sau.

Giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên

Cô giáo Lại Thị Sen, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện nay dù cho đất nước đã có rất nhiều thay đổi, song đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn sáng mãi trong tâm thức của người dân đất Việt. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hàng năm có rất nhiều hoạt động để giáo dục giới trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong đó có thể kể đến dịp lễ “Giỗ Tổ Hùng Vương”. Hiện nay, với sự năng động của mình, các bạn học sinh đã có rất nhiều cách để thể hiện tinh thần “nhớ về nguồn cội”. Từ đó càng khẳng định rằng “Uống nước nhớ nguồn” chưa bao giờ bị lãng quên trong đời sống của người Việt.

“Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng có một bộ phận nhỏ các bạn trẻ đang bàng quan, lãng quên sự hy sinh, cống hiến của những người đi trước. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với cương vị là một giáo viên dạy Lịch sử, tôi luôn ghi nhớ trách nhiệm của mình đối với việc giáo dục các em về lòng yêu nước, sự biết ơn đối với những người đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi hy vọng rằng, qua những dịp lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, các em sẽ hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước”, cô giáo Sen tâm sự.

Ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội. Thông qua đó, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

img_7650(1).jpg
Đoàn viên thanh niên Đắk Nông thắp hương tưởng nhớ công lao những anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Em Huỳnh Bảo Uyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Gia Nghĩa chia sẻ: “Hưởng ứng phát động của tổ chức Đoàn – Hội – Đội, là một đoàn viên thanh niên, em thường tham gia nhiều trào lưu, xu hướng tích cực trên mạng xã hội để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn với thế hệ cha anh đi trước như: thay khung avatar, ảnh đại diện của cuộc vận động tự hào một dải non sông; tham gia trào lưu tự hào màu xanh thanh niên; tự hào màu cờ tôi yêu… Bên cạnh đó, em cũng tích cực đăng tải, lan tỏa các thông tin tốt, hay, tích cực về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gương người tốt việc tốt lên các trang mạng xã hội”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông Trần Việt Anh cho biết: Giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên là một việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên và liên tục. Chương trình "Tháng 3 biên giới" và "Hành trình tôi yêu Tổ quốc tôi", các em học sinh, đoàn viên thanh niên tham gia lễ chào cờ tại cột mốc biên giới trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” đã thực hiện trao tặng hơn 200 bản đồ cho các trường học, cơ sở Đoàn, các đồn biên phòng… Qua đó, khơi dậy và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong nhận thức và hành động của thanh niên.

Với chủ đề “Khát vọng cống hiến – lẽ sống thanh niên”, đợt sinh hoạt chính trị trong tháng 3 vừa qua tiếp tục nêu bật được tinh thần lớn lao, lý tưởng của thanh niên Đắk Nông đối với quê hương đất nước. Từ đó nêu cao nhận thức, trách nhiệm phải kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ thanh niên đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp Đoàn phấn đấu xây dựng lớp thanh niên của thời đại mới trong sáng, bản lĩnh, có kiến thức, năng lực, có hoài bão, có khát vọng cống hiến, thực sự xứng đáng với vai trò rường cột của nước nhà. Thanh niên Đắk Nông khẳng định “Lẽ sống” luôn gắn với đất nước, dân tộc, với Đảng. Trong năm 2024, có hơn 1.000 đoàn viên thanh niên lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Trần Việt Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông

img_5712.jpg
Tuổi trẻ Đắk Nông hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc

Nói về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với người dân tộc thiểu số, anh K’Srai, dân tộc Mạ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa cho rằng, truyền thống trên không chỉ là việc nhớ nguồn gốc mà còn là việc báo hiếu cha mẹ; giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng để vun bồi truyền thống yêu nước, duy trì bản sắc dân tộc và thúc đẩy sự đoàn kết trong cộng đồng.

Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" chứa đựng một tri thức lớn về văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc Việt Nam. Việc hiểu rõ nguồn gốc, bản sắc và lịch sử của một dân tộc giúp nhận biết và trân trọng những giá trị quý báu mà tổ tiên để lại. Từ đó ra sức kế thừa, đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giỗ Tổ Hùng Vương và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO