Gìn giữ, phát huy giá trị sử thi Tây Nguyên

NGỌC LIÊN| 03/04/2025 07:17

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch lập hồ sơ kho tàng sử thi Tây Nguyên, đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới. Tỉnh đóng vai trò khởi xướng, chủ trì cùng các tỉnh Tây Nguyên xây dựng hồ sơ để bảo vệ loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này. Đây là một sáng kiến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị sử thi Tây Nguyên trong đời sống đương đại.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ĐỨC THỤY)Ảnh minh họa. (Ảnh: ĐỨC THỤY)

Sử thi là loại hình văn học dân gian độc đáo, đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học sâu sắc. Sử thi được lưu truyền trong cộng đồng bằng hình thức diễn xướng, hát kể trong môi trường sinh hoạt hằng ngày. Năm 2014, Hơmon của người Ba Na (tỉnh Gia Lai) và người Ba Na-Rơ Ngao (tỉnh Kon Tum), Khan của người Ê Đê đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kể từ khi bộ sử thi đầu tiên của người Ê Đê “Bài ca chàng Dam San - Klei khan Dam San” được công bố vào năm 1927, đến nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép và biên dịch sử thi Tây Nguyên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tầm vóc của kho tàng này. Hát kể sử thi vốn không được dạy qua sách vở bài bản. Lớp con cháu nghe các cụ già trong buôn làng hát kể, trình diễn truyền khẩu mà nhập tâm, lưu giữ trong trí nhớ. Bối cảnh hiện nay, người hát kể được sử thi ngày càng lớn tuổi và đang vơi dần đi. Không gian hát kể sử thi, nghệ nhân diễn xướng, người nghe, người xem… cũng đều đã biến đổi.

Từ năm 2013, tỉnh Kon Tum đã xây dựng đề án bảo tồn sử thi, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và xuất bản các bộ sử thi của tộc người Ba Na và Xơ Đăng, đồng thời khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng nghệ nhân có thể bảo tồn sử thi còn rất ít; khối lượng sử thi sưu tầm chưa được xử lý, biên dịch, xuất bản lại tương đối nhiều do thiếu người có thể phiên âm, dịch nghĩa... Kon Tum đang hướng đến việc đưa sử thi vào giảng dạy tại các trường dân tộc nội trú như một nội dung của giáo dục địa phương.

Tại tỉnh Đắk Lắk, công tác điền dã, sưu tầm sử thi được thực hiện từ những năm 1980, đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà những bộ sử thi giá trị. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, món ăn tinh thần này cũng mai một trong đời sống hiện đại. Đắk Lắk hiện đang đối mặt với thực trạng thiếu nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi, còn lớp trẻ lại chưa hào hứng tiếp nhận.

Bởi vậy, sáng kiến của tỉnh Đắk Lắk về lập hồ sơ kho tàng sử thi Tây Nguyên gửi UNESCO được coi là giải pháp mở hướng cho sử thi được bảo tồn thực chất và phát huy được giá trị trong đời sống đương đại. Các tỉnh cũng có thể tham khảo cách làm hiệu quả hiện nay là tổ chức, vận động sáng tác các tác phẩm âm nhạc, lồng ghép có chọn lọc các giá trị đặc trưng của sử thi để quảng bá văn hóa đặc trưng Tây Nguyên.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/gin-giu-phat-huy-gia-tri-su-thi-tay-nguyen-post869690.html
Copy Link
https://nhandan.vn/gin-giu-phat-huy-gia-tri-su-thi-tay-nguyen-post869690.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Gìn giữ, phát huy giá trị sử thi Tây Nguyên
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO