Giáo viên nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của học sinh để vận động các em đến lớp

Lệ Xuân – Ksor Tuối – Huy Toàn| 13/10/2023 09:05

Khác với những em học sinh ở vùng thuận lợi, đối với các em học sinh DTTS ở vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai, để thu hút được các em đến trường đều đặn mỗi ngày, đòi hỏi các thầy cô giáo ở đây không chỉ quan tâm đến hoàn mà còn phải nắm bắt được tâm lý để kịp thời động viên các em đến lớp.



Điểm trường làng Nú 1 thuộc Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Ia Chía, huyện Ia Grai có gần 100 học sinh, trong đó có 3 lớp ghép. 100% học sinh là DTTS có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy để duy trì sĩ số học sinh đến lớp đều đặn mỗi ngày, ngoài dạy kiến thức, giáo viên ở đây còn phải nắm bắt được tâm lý của các em để động viên kịp thời.

Cô giáo Phạm Thị Thiện – Điểm trường làng Nú 1 – Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Ia Chía, huyện Ia Grai chia sẻ: “Đôi khi các em ngại không có đồng phục các em không đến trường. Hôm nào mưa quá, thời tiết không nắng các em không có đồng phục đến trường là các em nghỉ thì cô cũng bảo thôi con cứ đến trường không sao cả, con mặc quần đùi cũng được, miễn không rách là được. Chứ con nghỉ 1 buổi là hôm sau con sẽ không hiểu bài nên các em cũng đã cố gắng hơn.”

Bên cạnh đó, các em học sinh DTTS trước giờ chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ, ít giao tiếp bằng tiếng Việt nên khả năng đọc, viết, nói bằng tiếng Việt còn hạn chế. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua cán bộ, giáo viên các trường học vùng sâu, vùng xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đặc biệt quan tâm đến công tác này. Như trường Tiểu học Ia Ka, huyện Chư Păh, ngay từ đầu năm học 2023 – 2024, nhà trường đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ trên 700 cuốn sách tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Phương Hằng – Trường Tiểu học Ia Ka, huyện Chư Păh bày tỏ: “Tôi thấy sách tăng cường tiếng Việt cho học sinh rất sát, đặc biệt là đối với chương trình GDPT 2018. Riêng bản thân tôi được đi tập huấn tôi nhận thấy các em có thể phát triển kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Bên cạnh đó trong sách còn có sự tham gia của phụ huynh như những bài tập vận dụng ở nhà thì việc phụ huynh quan tâm hơn đối với các em có thể hiểu hơn việc học của con mình, từ đó cô và phụ huynh sẽ phối hợp với nhau nên sự tiến bộ của trẻ có sự tiến bộ rất là rõ rệt.”

Ngay cả đối với công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ở những nơi có điều kiện đi lại khó khăn cũng là một giải pháp hữu hiệu để phụ huynh yên tâm gửi con cả ngày ở trường. Tuy nhiên cùng một địa bàn, tùy vào từng thời điểm, mỗi trường cũng đã linh hoạt triển khai bếp ăn bán trú theo hướng thuận lợi nhất cho phụ huynh.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Long – Hiệu trưởng Trường mầm non Ia Nhin, huyện Chư Păh nói: “Nhà trường đã tổ chức được cho trẻ ăn bán trú gần 200 học sinh ăn ngủ tại trường.Trường đã tổ chức được hơn 10 năm rồi, có được bếp ăn là điều kiện thuận lợi huy động trẻ ra lớp vì phụ huynh rất là an tâm trong việc trao gởi các con cho các cô chăm sóc giáo dục.”

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: “Vì lý do điều kiện phụ huynh cũng còn nhiều khó khăn cho nên mức để đóng góp để tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ không thực hiện được theo cả năm mà chỉ tổ chức được vào các mùa vụ như mùa cà, mì, lúa,…phụ huynh có tiền sẽ đến đóng góp tiền ăn thì nhà trường sẽ nấu cho trẻ ăn, còn những tháng phụ huynh không có tiền đóng cho trẻ ăn thì chúng tôi lại tổ chức cho trẻ mang cơm trưa, nhà có gì ăn phụ huynh sẽ mang đến cho trẻ.”

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 9,1%, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 92,04%. Huy động trẻ học hai buổi/ngày nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đạt 89,03%, tỉ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường duy trì gần 66%. Để duy trì kết quả trên, đối với trường học nằm ở vùng sâu, vùng xa đòi hỏi mỗi giáo viên phải thật sự hiểu và nắm bắt điều kiện gia đình cũng như tâm lý của các em học sinh để động viên kịp thời, giúp các em thêm yêu trường, mến lớp.

Theo gialaitv.vn
http://gialaitv.vn/tin-tuc/tin-dia-phuong/giao-vien-nam-bat-tam-ly-hoan-canh-cua-hoc-sinh-de-van-dong-cac-em-den-lop/
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của học sinh để vận động các em đến lớp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO