Dòng chảy thông tin

Giáo dục Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng

P.V 05/09/2023 20:23

Từ một quốc gia có 95% dân số mù chữ, trải qua 78 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

bia-1.png

Đạt nhiều thành tựu

Xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp tiêu diệt giặc dốt là nhiệm vụ thứ 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Ngày 8/9/1945, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ.

Trong bài "Chống nạn thất học" đăng trên Báo Cứu quốc ngày 4/10/1945, Người nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Chỉ trong một năm (từ tháng 9/1945 đến 8/1946), phong trào bình dân học vụ đã giúp cho hơn 2,5 triệu người biết chữ.

Trải qua các giai đoạn, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc cải cách. Cải cách giáo dục đầu tiên vào năm 1950, chuyển cấp “trung học chuyên khoa” học 3 năm chuyên ban thành “phổ thông cấp III” không chuyên ban. Cải cách thứ hai vào năm 1956 sáp nhập hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm và 12 năm đang tồn tại song song ở miền Bắc thành hệ thống giáo dục mới 10 năm.

Đến đầu năm 1979, thống nhất hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới. Cải cách gần đây nhất vào năm 2013, được đánh giá có tính toàn diện, triệt để bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, trên tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hiện giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt mức cao 98,81%; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.

Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. Hiện Việt Nam có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh, thành phố với quy mô gần 102 ngàn học sinh; trên 1,1 ngàn trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250 ngàn học sinh.

hoc-sinh-dan-toc-thieu-so.png

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó có một số điểm nổi bật như: thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Phương hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Không chỉ vậy, giáo dục Việt Nam còn hướng đến sự phát triển đột phá và nâng cao chất lượng: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”…

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học mới 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định: Phát triển GD-ĐT và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. "Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng một thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững", Thủ tướng nói.

thu-tuongmoi-png.png

Theo Thủ tướng, Quốc hội, Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển GD-ĐT. Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực. GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, theo Thủ tướng, công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GD-ĐT triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.

Về phát triển GD-ĐT thời gian tới, Thủ tướng đã nêu ra 5 quan điểm. Theo Thủ tướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Thủ tướng cho rằng phát triển GD-ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ của khoa học công nghệ, phù hợp với quy luật khách quan, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về GD-ĐT phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khach quan và lấy thực tiễn làm thước đo.

Theo Thủ tướng trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong GD-ĐT.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. “Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới GD-ĐT phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì cứ thế mà làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu, GD-ĐT phải bám sát tư tưởng lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ "Nhà trường, học sinh, và giáo viên"; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giáo dục Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO