Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục tỉnh Đắk Nông từng bước khẳng định chất lượng

Nguyễn Hiền 01/04/2024 08:51

Những ngày đầu tái lập tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư về mọi mặt, đến nay ngành Giáo dục Đắk Nông đã cơ bản đáp ứng được về mọi mặt để nâng cao chất lượng giáo dục.

Quan tâm đầu tư cho vùng khó

Được thành lập vào năm 2007, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong là một trong những trường khó khăn nhất của tỉnh. Toàn trường chỉ có 7 phòng học tạm làm bằng tranh tre, nứa lá, gỗ tận dụng. Đến nay, trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Riêng năm 2023, trường được đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng 1 nhà đa năng, làm sân trường và bờ kè, xây mới 6 phòng bộ môn và 14 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 32 phòng.

img_8561(1).jpg
Ngày mới thành lập, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong gặp rất nhiều khó khăn, với phòng học tạm bợ

Ông Thái Mai Tịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọccho biết: “Vì phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số nên trước đây tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm rất cao. Những năm gần đây, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên tỷ lệ học sinh của trường bỏ học đã giảm tối thiểu. Tỷ lệ chuyên cần đạt trên 98%. Từ chỗ chỉ có khoảng 120 học sinh, đến nay quy mô trường lên đến gần 650 học sinh theo học ở 20 lớp. Hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư đồng bộ và kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Trường đang phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn vào năm 2025”.

z5251042778752_7b66c0316b7f0aafc2d666b0ae0cc857.jpg
Đến nay Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã có cơ sở khang trang, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025

Không riêng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, nhiều trường học trên địa bàn huyện Đắk Glong đã và đang hoàn thiện đồng bộ theo hướng kiên cố hóa. Quy mô trường, lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phát triển ổn định, đáp ứng yêu cầu huy động học sinh ra lớp, thuận lợi cho công tác giáo dục, nâng cao chất lượng.

Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Glong thì đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 38 trường học, trong đó có 4 trường ngoài công lập. Từ chỗ không có trường đạt chuẩn quốc gia nào, đến nay huyện đã có 11/34 tổng số trường đạt chuẩn ở các cấp. Quy mô học sinh tiếp tục phát triển ổn định, huy động được nhiều đối tượng học sinh ra lớp. Hiện toàn huyện có 616 lớp và 21.483 học sinh.

img_1593.jpg
Các trường tiểu học trên địa bàn huyện Đắk Glong chú trọng hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên tỷ lệ bỏ học ngày càng giảm đáng kể

Từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp, giáo viên

Từ khó khăn chung của những ngày thành lập tỉnh, sau 20 năm, hầu hết các trường học đã có đủ diện tích, khuôn viên tương đối khang trang. Nhiều trường mầm non, tiểu học đã có đủ cơ sơ vật chất, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. Hầu hết các trường THPT từng bước được đầu tư chuẩn hoá và hiện đại các phòng học bộ môn. 100% trường học các cấp học có phòng dạy học môn Tin học và máy vi tính được nối mạng phục vụ tốt công tác quản lý, dạy và học. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT được quy hoạch, phát triển hợp lý.

img_0051.jpg
Tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được một trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh và ngày càng đạt được những kết quả cao trong công tác nâng cao chất lượng mũi nhọn

Nếu như năm học 2003-2004, toàn tỉnh có 28/52 xã chưa có trường mầm non, thì đến nay, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 1,8 cơ sở giáo dục mầm non; 1,6 trường tiểu học; 1,1 trường THCS và 1 trung tâm học tập cộng đồng. Mỗi đơn vị cấp huyện bình quân có 4,1 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đắk Nông cũng đã thành lập được một THPT chuyên và bước đầu đóng góp đáng kể cho công tác phát triển học sinh mũi nhọn.

img_1103(1).jpg
Học sinh Trường THPT DTNT N'Trang Lơng (Gia Nghĩa) đồng diễn tại sân trường

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú không ngừng được mở rộng. Mỗi huyện, thành phố đều có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 5 trường so với năm học 2003-2004. Bên cạnh đó, sự tham gia phát triển của hệ thống trường tư thục từ mầm non đến phổ thông đã góp phần mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Đến nay, ngành Giáo dục đã khắc phục được tình trạng học ba ca, hệ thống trường lớp được mở rộng, ngày càng khang trang hơn. Hiện toàn tỉnh có 371 trường học các cấp, với 5.428 phòng học, trong đó phòng học kiên cố có 3.694 phòng, chiếm 68,1%; tỷ lệ thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học đạt 60,8%.

img_0388(1).jpg
Giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) chú trọng áp dụng các phương pháp dạy học mới vào các tiết giảng

Đi đôi với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã phát triển nhanh về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bổ khá toàn diện trong các cấp, bậc học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9.202 giáo viên, 848 cán bộ quản lý và 968 nhân viên, tăng 6.098 người so với năm học 2003-2004. 100% đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức quản lý. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

1.png

Nâng cao chất lượng giáo dục

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm đúng mức. Hiện nay, chất lượng, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến phát triển vững chắc và toàn diện ở các cấp học. Chuyển biến rõ nét nhất chính là sự chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức, sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 14,5%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 85%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng tuổi đạt 99,9%...

11111111.png

Học sinh giỏi quốc gia tăng về chất lượng và số lượng. Cụ thể, trong 20 năm, tỉnh có 143 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, giáo dục kỷ năng sống, giáo dục hòa nhập được chú trọng. Kỷ cương, nề nếp trường học tiếp tục được duy trì và phát triển.

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục các thời kỳ đều nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra. Những năm tiếp theo, ngành tiếp tục chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng. Chất lượng mũi nhọn cũng từng bước được khẳng định nên ngành cũng sẽ có những giải pháp đồng bộ hơn để đạt được những thành tích cao hơn. Hiện nay, toàn ngành đang tập trung mọi nguồn lực để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp, thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục ở các bậc học", Ông Hải thông tin.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Giáo dục tỉnh Đắk Nông từng bước khẳng định chất lượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO