Giáo dục cấp huyện ở Đắk Nông trước bước ngoặt chuyển quản lý về xã
Từ ngày 1/7/2025, các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập tại Đắk Nông sẽ được chuyển về cấp xã quản lý. Đây là bước ngoặt lớn trong cải cách hành chính, mở ra kỳ vọng đổi mới tư duy và nâng cao hiệu quả giáo dục.
Tăng quyền cho cấp xã
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) chính thức đi vào hoạt động theo quy định của Bộ Nội vụ. Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, mô hình mới dự kiến sẽ chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập từ cấp huyện về cho cấp xã.

Theo Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải, chủ trương tổ chức lại bộ máy hành chính địa phương đã được Chính phủ chính thức ban hành tại Nghị quyết 125/NQ-CP và 126/NQ-CP. Theo đó, cả nước sẽ còn lại 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, Đắk Nông cũng thực hiện các bước chuẩn bị sắp xếp địa giới và kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn. Đặc biệt, khi bỏ cấp huyện, các trường học công lập dự kiến được chuyển giao về chính quyền xã, nơi gần dân và sát thực tế nhất.
Sự thay đổi lớn này không chỉ ở mặt quản lý hành chính mà còn mở ra bước chuyển mới trong tư duy điều hành giáo dục. Trước đây, các vấn đề tuyển dụng, điều động giáo viên, phân bổ ngân sách hay đầu tư cơ sở vật chất đều qua nhiều tầng trung gian. Từ tháng 7/ 2025, những việc này sẽ do chính quyền xã chịu trách nhiệm theo phân cấp rõ ràng từ tỉnh.

Theo dự kiến quy định mới, Chủ tịch UBND cấp xã được giao tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cấp xã được quyết định số lượng hợp đồng lao động các vị trí việc làm trong các trường mầm non, tiểu học, THCS. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khắc phục tình trạng chờ đợi, trì trệ trong công tác nhân sự.
Cô giáo Trần Thị Hiền, Trường THCS Đắk D'rô, huyện Krông Nô chia sẻ: “Một trong những điều chúng tôi quan tâm nhất là nhân sự. Khi xã được quyền tuyển dụng sẽ tạo ra sự linh hoạt, giúp các trường tìm được người phù hợp với đặc thù của địa phương nhanh chóng hơn”.
Phụ huynh, giáo viên tại các địa phương trong tỉnh Đắk Nông bày tỏ sự đồng tình cao. Anh Bùi Thanh Trúc, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Đưa mô hình các trường về xã quản lý là hợp lý. Xã là cấp gần dân nhất nên có thể nhận diện kịp thời những bất cập, từ đó xử lý nhanh chóng. Tôi và nhiều người dân đều rất ủng hộ”.
Tại các hội nghị chuẩn bị chuyển giao mô hình quản lý, ngành Giáo dục chủ động phối hợp với ngành Nội vụ, Tài chính rà soát cơ cấu tổ chức, phương án nhân sự và quy trình phối hợp công tác giữa các cơ sở giáo dục và chính quyền xã. Tinh thần được quán triệt là phân cấp nhưng không phân tán, phân quyền nhưng không phân rã trách nhiệm.
Chuyển giao nhiệm vụ, giữ vững chất lượng
Việc chuyển giao chức năng quản lý giáo dục từ cấp huyện về xã không chỉ là một mệnh lệnh hành chính, mà là bước đi quan trọng trong quá trình cải cách thể chế. Với lĩnh vực đặc thù như Giáo dục, tỉnh Đắk Nông xác định đây là công việc phải thực hiện một cách cẩn trọng, từng bước, không gây xáo trộn.
Phó Trưởng Phòng GD - ĐT của TP. Gia Nghĩa Nguyễn Khắc Nghị cho rằng: “Việc xóa bỏ cấp huyện và đưa lĩnh vực giáo dục về cấp xã giúp địa phương chủ động hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển giáo dục phù hợp với nhu cầu và thực tiễn từng khu vực”.

Với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hiện thuộc UBND cấp huyện, quy định mới dự kiến chuyển giao về Sở GD - ĐT quản lý. Các trung tâm này được tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ giáo dục cho các cụm xã, phường, phù hợp với định hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt.
Đặc biệt, để tránh gây gián đoạn hoạt động các trường học, quá trình chuyển giao được yêu cầu thực hiện đồng bộ, bảo đảm “hành chính chuyển nhưng giáo dục không ngắt”. Theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT việc giao nhiệm vụ, biên chế, định mức tài chính cho các trường vẫn tuân theo kế hoạch định hướng của ngành, tránh việc phân bổ tùy tiện hoặc thiếu kiểm soát.
Trong bối cảnh nhiều xã tại Đắk Nông là vùng sâu, vùng xa, ngành Giáo dục đã tính đến các kịch bản hỗ trợ chuyên môn từ Phòng GD - ĐT hoặc tổ chức theo vùng cụm liên xã. Điều này nhằm bảo đảm các trường học, nhất là tại xã khó khăn, không bị thiệt thòi về năng lực điều hành hoặc hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh tích cực rà soát cơ sở vật chất, số lượng học sinh, định mức giáo viên để xây dựng lộ trình phân bổ ngân sách, bảo đảm các trường hoạt động ổn định.
Theo kế hoạch, từ quý III/2025, các phòng giáo dục sẽ chuyển giao dần các nhiệm vụ không thuộc về quản lý chuyên môn sang cho UBND cấp xã.
Trong quá trình chuyển giao, nguyên tắc được tỉnh Đắk Nông khẳng định là không được để khoảng trống trách nhiệm, không gây xáo trộn quyền lợi người học. Các trường học vẫn duy trì hoạt động bình thường, mọi chế độ cho giáo viên, học sinh được chi trả đầy đủ, đúng thời hạn.

Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải thông tin thêm: “Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp trong lĩnh vực giáo dục. Sở yêu cầu các phòng GD - ĐT phối hợp chặt chẽ với địa phương, các đơn vị liên quan để thống nhất kế hoạch chuyển giao. Từng công đoạn phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy hoặc bỏ sót nhiệm vụ.”
Cũng theo ông Hải, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là bước ngoặt quan trọng trong cải cách bộ máy hành chính, hướng đến sự gọn nhẹ – hiệu quả – gần dân. Trong lĩnh vực giáo dục, phân quyền cho cấp xã không chỉ là sự thay đổi về quản lý mà còn là chuyển biến trong tư duy hành động, đặt người học, giáo viên và cộng đồng ở vị trí trung tâm.
Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai chặt chẽ, tỉnh Đắk Nông đang chứng minh năng lực tổ chức, điều hành phù hợp với yêu cầu đổi mới. Hệ thống giáo dục sẽ không bị “ngắt mạch” mà sẽ được tiếp thêm năng lượng mới từ chính cơ sở – nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và cũng chịu trách nhiệm trực tiếp nhất.