Giám sát thực hiện Đề án vị trí việc làm tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông
Sáng 23/5, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát về thực hiện Đề án vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động tại Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).
Sở GD-ĐT hiện có 6 phòng chức năng, chuyên môn với 41 biên chế công chức và 4 nhân viên hợp đồng làm công tác hỗ trợ, phục vụ. Sở đang quản lý 34 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: 23 trường THPT, 8 trường PTDTNT, 1 trường THCS và THPT, 2 trung tâm. Biên chế viên chức hiện có mặt là 1.567 người.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đã phê duyệt vị trí việc làm đối với 34 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở quản lý, bảo đảm đúng yêu cầu nội dung và thời gian thực hiện. Hàng năm, căn cứ biên chế được giao, Sở GD-ĐT ban hành quyết định giao biên chế công chức của đơn vị, kế hoạch và thông báo giao biên chế, hợp đồng lao động thực hiện công tác chuyên môn của các đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định.
Quá trình quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, Sở GD-ĐT phân công công tác phù hợp với vị trí việc làm. Đơn vị thường xuyên cập nhật hồ sơ công chức, viên chức trên hệ thống điện tử.
Tuy nhiên, hiện nay biên chế của ngành Giáo dục còn thiếu nhiều nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn. Chủ trương giao số lượng hợp đồng giảng dạy đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực GD-ĐT của HĐND tỉnh Đắk Nông là phù hợp đối với nhu cầu biên chế hiện nay, nhưng việc ký hợp đồng giảng dạy đối với các cơ sở giáo dục ở vùng không thuận lợi gặp rất nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Khoa đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục trong triển khai Đề án vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động.
Đoàn giám sát đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác điều chuyển giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.
Đối với Đề án liên quan sắp xếp việc làm, đơn vị sắp xếp thực hiện hiệu quả. Quá trình triển khai phát sinh khó khăn, hạn chế, bất cập, Sở kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền để tháo gỡ.