Đời sống

Giảm nghèo từ xuất khẩu lao động ở huyện vùng sâu Đắk Nông

Nam Nguyễn 14/04/2025 18:10

Huyện Krông Nô (Đắk Nông) phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) để giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Thoát nghèo từ xuất khẩu lao động

Liên hệ qua điện thoại, Y Thiệp BJôk (SN 1998), dân tộc M’nông, thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, không giấu được niềm vui khi chia sẻ về cuộc sống mới của mình nơi đất khách. Từng là một thợ hồ với công việc bấp bênh, "trời nắng thì có việc, trời mưa là ở nhà", giờ đây, Y Thiệp BJôk đã có công việc ổn định tại một công ty xây dựng ở Nhật Bản với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

z6492089203685_186236b36d32a1e219a00783965d46e6.jpg
Anh Y Thiệp BJôk trao đổi công việc hiện tại của mình tại Nhật Bản qua điện thoại

Cuộc sống của anh Y Thiệp BJôk đã thực sự thay đổi kể từ năm 2023, khi được huyện hỗ trợ tham gia chương trình xuất khẩu lao động theo hợp đồng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn I (2021 – 2025).

img_0158.jpg
Mỗi khi xong công việc, Y Thiệp BJôk lại tranh thủ gọi điện về hỏi thăm bố mẹ và gia đình

Đều đặn mỗi tháng, anh Y Thiệp BJôk gửi 10 triệu đồng về cho bố mẹ. Nhờ số tiền của anh Y Thiệp BJôk gửi về, gia đình đã có điều kiện sửa sang lại ngôi nhà cũ và đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

img_0169.jpg
Nhà của anh Y Thiệp BJôk được sửa chữa từ số tiền em gửi về trong quá trình làm việc tại Nhật Bản

"Giờ đi Nhật, có thu nhập ổn định, tôi mừng lắm vì đã đỡ đần được cho bố mẹ và lo được cho tương lai của mình. Đầu năm 2025, hợp đồng lao động kết thúc nhưng tôi vẫn muốn quay lại đây để tiếp tục làm tiếp công việc hiện tại", anh Y Thiệp BJôk chia sẻ.

z6492150524977_f1035300b46e326137f244f35f3ff5cb.jpg
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, anh Y Thiệp BJôk và các bạn Việt Nam ở chung một nhà trọ và tự nấu ăn mỗi ngày (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP, được triển khai thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp nhiều lao động tại huyện Krông Nô mạnh dạn tham gia XKLĐ, từng bước vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống gia đình.

Sinh ra trong gia đình nghèo có 5 anh chị em ở thôn 2, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, anh Y Thông (SN 1996), dân tộc M’nông đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo diện được người quen giới thiệu. Năm 2019, anh Y Thông sang Seoul làm việc tại một công ty xây dựng với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.

img_0171.jpg
Anh Y Thông, chàng trai M’nông ngồi giữa căn nhà mới xây kể lại hành trình đổi đời nơi đất khách

Trong 5 năm lao động (2019 – 2024), anh Y Thông vừa gửi tiền về giúp gia đình xây được căn nhà khang trang, vừa lo chi phí học đại học cho 2 em nhỏ trong gia đình. Dù mong muốn tiếp tục ở lại làm việc để nâng cao thu nhập nhưng anh Y Thông đã quyết định trở về nước để chăm sóc cha mẹ già yếu khi không còn ai ở nhà lo toan.

img_0181.jpg
Bố mẹ đã già yếu, không còn ai ở nhà chăm sóc nên em quyết định về quê để tiện phụng dưỡng

"Nhờ có chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP mà tôi mới có điều kiện đi lao động ở nước ngoài, thay đổi cuộc sống của gia đình", anh Y Thông bày tỏ.

Hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động

Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã chú trọng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Nhờ đó, công tác XKLĐ trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. XKLĐ đã giúp hàng trăm lao động ở Krông Nô có cơ hội đổi đời.

Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện Krông Nô có 60 người đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình XKLĐ và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức, trong đó chủ yếu tập trung vào các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đa số ngành, nghề, việc làm phù hợp với khả năng lao động như: xây dựng, may mặc, chăm sóc người bệnh, nông nghiệp, lắp ráp điện tử...

Phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập ổn định, cao hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Cụ thể, tại Đài Loan thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/tháng; tại Nhật Bản, Hàn Quốc thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động khoảng từ từ 30-60 triệu đồng/tháng.

img_0164.jpg
Nhiều bậc phụ huynh ở huyện Krông Nô không giấu được niềm vui khi con em mình có công việc ổn định ở nước ngoài

Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm, thay đổi tác phong làm việc, lao động, trình độ quản lý. Người lao động sau khi trở về địa phương đã đầu tư mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, mặc dù XKLĐ đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng gặp không ít khó khăn do người đi XKLĐ chủ yếu là lao động nông thôn, phần lớn chưa qua đào tạo chính quy về tay nghề lại thiếu sự gắn bó trong hợp tác lao động, thiếu hiểu biết về sản xuất công nghiệp. Thậm chí nhiều lao động chưa học hết phổ thông, gặp khó khăn về kinh tế

Đặc biệt, công tác tuyên truyền XKLĐ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều trở ngại do hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, giao thông khó khăn, phương tiện truyền thông chưa đa dạng và hiệu quả...

img_0107.jpg
Nhiều gia đình ở huyện Krông Nô đã thoát nghèo nhờ có con em đi lao động ở nước ngoài

Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, huyện Krông Nô tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các xã, thị trấn được giao nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, đoàn viên, người lao động hiểu rõ mục tiêu của XKLĐ – không chỉ là nâng cao thu nhập, mà còn là cơ hội tiếp cận kỹ thuật, công nghệ, rèn luyện tính kỷ luật và kỹ năng lao động, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm sau khi kết thúc hợp đồng về nước.

Ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Nô cho biết: “Ban Chỉ đạo XKLĐ từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ, vay vốn để người dân dễ dàng tiếp cận. Ban Chỉ đạo XKLĐ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông mời các doanh nghiệp XKLĐ uy tín về địa phương tư vấn, tuyển chọn lao động phù hợp”.

Theo Điều 25 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính, người lao động là đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, giúp giảm gánh nặng chi phí trước khi xuất cảnh.
Các khoản hỗ trợ bao gồm:
Đào tạo ngoại ngữ: Tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.
Tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày.
Tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.
Chi phí trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn màn, giày dép…): 600.000 đồng/người.
Tiền đi lại (1 lượt đi và về): 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên.

Hỗ trợ chi phí làm hồ sơ xuất cảnh gồm:
Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh theo mức quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC.
Phí cung cấp lý lịch tư pháp: Áp dụng theo Thông tư số 244/2016/TT-BTC đối với người không được miễn phí.
Lệ phí làm thị thực (visa): Theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động.
Chi phí khám sức khỏe: Hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người, theo giá dịch vụ khám bệnh của các cơ sở y tế.

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Giảm nghèo từ xuất khẩu lao động ở huyện vùng sâu Đắk Nông
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO