Pháp luật - Đời sống

Giảm nghèo, tăng dân trí, nâng ý thức pháp luật

Hưng Nguyên 03/02/2024 10:09

Đắk Nông xác định phát triển kinh tế là yếu tố cốt lõi để nâng cao đời sống, dân trí cho người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng.

ADQuảng cáo

Đời sống đi lên, ý thức pháp luật cũng tăng

Đắk Nông bắt đầu mùa khô, mùa nắng nóng, nhưng đi vào bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, không khí vẫn dịu mát bởi những vườn mắc ca hơn 10 năm tuổi. Mỗi cây mắc ca cao hơn 7m, tỏa bóng che phủ cả một vùng đất rộng lớn.

Thiên nhiên ưu đãi cho Tuy Đức mỗi năm 2 vụ thu hoạch mắc ca đã và đang giúp nhiều nông dân thu nhập ngày càng ổn định. Mắc ca đang trở thành cây thoát nghèo, làm giàu của người dân.

Năm 2012, gia đình ông Điểu Srớch, bon Bu P'răng 1, được hỗ trợ 300 cây giống mắc ca từ Chương trình Hỗ trợ cây giống mắc ca cho người dân vùng tái lập bon Bu P'răng.

Sau 12 năm trồng và chăm sóc, vườn mắc ca giờ đã trưởng thành, mỗi năm, gia đình ông Điểu Srớch thu hoạch được hơn 2 tấn quả, với giá bán 70.000 - 90.000 đồng/kg.

tet_duchung-7-(1).jpg
Bà Hoàng Thị Uyên, vợ ông Điểu Srớch, bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, cho biết, vườn mắc ca đang cho thu nhập ngày càng cao.

Thấy được hiệu quả của cây mắc ca, gia đình ông Điểu Srớch đã đầu tư trồng thêm 500 cây, năm nay bắt đầu cho thu bói. Ngoài mắc ca, gia đình ông Điểu Srớch còn có 600 cây cà phê, mỗi năm thu khoảng 2 tấn nhân. Ông chăn nuôi 4 con bò để lấy phân bón cho các loại cây trồng.

Rót ly trà mời khách, ông Điểu Srớch chỉ tay vào những bao cà phê nhân xếp gọn gàng trong nhà và cho biết, năm nay cà phê ông thu được chừng 2 tấn nhân.

"Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, tôi phải vào rừng kiếm đọt mây, lá bép, rau rừng, săn bắt để tìm cái ăn cho gia đình. Nay thì khác! Mỗi năm gia đình tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Đời sống nâng lên, chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước. Chúng tôi quyết tâm làm ăn, không vi phạm pháp luật", ông Điểu Srớch phấn chấn cho biết.

tet_duchung-3-(1).jpg
Vườn cà phê, mắc ca của ông Điểu Srớch, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Tương tự, gia đình bà Thị Lấc, bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực cũng đang tích cực chăm cho vườn mắc ca xen cà phê. Gia đình bà Thị Lấc được hỗ trợ giống mắc ca để trồng từ năm 2012.

Với hơn 200 cây mắc ca, mỗi năm gia đình bà Thị Lấc có thu nhập trên 70 triệu đồng trừ chi phí. Nhờ có thu nhập, kinh tế khá, nên gia đình bà không còn sống bám vào rừng nữa. Việc chấp hành pháp luật, nhất là về giao thông đường bộ được gia đình bà thực hiện tốt.

Ông Điểu Drây, Trưởng bon Bu P'răng 1 cho biết, nhà nào trong bon cũng có mắc ca và ngày càng tăng về số lượng cây trồng này. Từ hiệu quả cây trồng này mang lại, người dân trong bon đã dần ổn định cuộc sống.

Xã Quảng Trực có gần 3.000 hộ, trong đó hộ nghèo hơn 1.000 hộ. Năm 2023, xã giảm hơn 200 hộ nghèo. Trước đây, Quảng Trực thuộc xã đặc biệt khó khăn, cái đói, cái nghèo đeo bám, dân trí thấp nên nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.

ADQuảng cáo

Trong đó, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tảo hôn... diễn ra khá thường xuyên.

Năm 2012, thực hiện Chương trình Hỗ trợ tái lập bon Bu P'răng 1, 2, trên địa bàn có hơn 150 hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở, giống mắc ca, bò giống để phát triển kinh tế.

Từ chương trình hỗ trợ này, kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định, thu nhập ngày càng tăng. Đời sống bà con vì thế ngày càng ấm no, văn minh, hạnh phúc. Trẻ em được đến trường đầy đủ.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, trước đây người dân sống du canh du cư, sản xuất thô sơ, hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến đói nghèo. Vì thế, một bộ phận người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép, săn bắt thú rừng, bám vào rừng để… kiếm cái ăn.

"Nay người dân đã tạo được nguồn thu nhập, có hộ mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Người dân đã không vào rừng sản bắt, phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản mà tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập", ông Đoàn Lê Anh cho biết.

pndtts-46-.png
tet_duchung-5-(1).jpg
Khu dân cư bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức hôm nay

Gảm nghèo, tăng dân trí

Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc, dân số 163.450 hộ, khoảng 677.616 khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS có 45.707 hộ, 215.048 khẩu, chiếm tỷ lệ 31,73% so với dân số toàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới...

Đắk Nông đã hỗ trợ khoảng 6.000 hộ có đất sản xuất, đất ở (thuộc chương trình 134, 1592, 755); xây mới và cải tạo được 5.667 căn nhà (thuộc chương trình 134). Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là 2.695 tỷ đồng; trong 2 năm 2022 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.285 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư cho các xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2025 là 1.136 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 là 481 tỷ đồng

Thực hiện nghị quyết, những năm qua cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, Đắk Nông đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, nghị quyết đặc thù về giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa... được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 còn 7,97% năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm giảm từ 4-5%.

Công tác giáo dục và đào tạo hàng năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được kiện toàn và củng cố; Công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ dân tộc thiểu số được coi trọng; học sinh cử tuyển ngày càng được quan tâm.

tet_duchung-1-1-.jpg
Cây mắc ca đang tạo nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân vùng biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, những sự quan tâm đầu tư trên đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của bà con ở các vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe, tin theo người xấu, xóa bỏ mê tín dị đoan, tập tục du canh du cư, hủ tục lạc hậu. Tình trạng vi phạm pháp luật ở vùng DTTS giảm xuống rõ rệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo, tăng dân trí, nâng ý thức pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO