Kinh tế

Giảm nghèo ở Đắk Nông - những cách làm hay

Kim Ngân 11/07/2023 07:15

Những năm qua, công tác giảm nghèo được tỉnh Đắk Nông triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 19,26% năm 2015 xuống 7,97% năm 2022. Đặc biệt, Đắk Nông có nhiều cách làm hay để giảm nghèo cho người dân.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Chuyển biến từ không "cho không"

Những năm qua, công tác giảm nghèo trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương ở Đắk Nông. Từ đó, rất nhiều phong trào thi đua, mô hình tiêu biểu, cách làm hay được triển khai, mang lại hiệu quả giảm nghèo thiết thực.

dsc_4765(1).jpg
Xã biên giới Thuận Hà (Đắk Song) ngày một khởi sắc nhờ giảm nghèo có hiệu quả

Đắk Nông có 7 huyện và TP. Gia Nghĩa, với 71 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 27 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đời sống người dân ở mức thấp. Sau gần 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông, đời sống người dân, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, việc xây dựng các mô hình giảm nghèo được xem là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với người dân.

Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Đắk Nông đã tích cực thực hiện các mô hình sinh kế, giúp người dân có nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

bai-trang-6.png

Gia đình ông K’Dai, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), những năm trước gặp không ít khó khăn. Nguồn thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào 1 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Trong lúc đang loay hoay tìm phương kế sinh nhai, gia đình ông được Đoàn kinh tế quốc phòng Quảng Sơn đóng chân trên địa bàn hỗ trợ vốn, kỹ thuật để ghép cải tạo lại vườn cà phê.

Ông K’Dai cho biết: “Cà phê của tôi trồng từ năm 2001, đến nay đã già cỗi. Năm 2020, bội đội hỗ trợ ghép chồi, cấp phân bón, hướng dẫn tôi kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cà phê. Hiện nay, vườn cà phê phát triển tốt. Tôi hy vọng năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu”.

Theo anh Nguyễn Lĩnh Việt, Đội trưởng Đội trí thức trẻ tình nguyện (Đoàn kinh tế quốc phòng Quảng Sơn), từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ 26 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Quảng Sơn, Đắk R’măng cải tạo gần 23 ha cà phê già cỗi.

kk1-1-.png
Bộ đội của Đoàn kinh tế quốc phòng Quảng Sơn hướng dẫn kỹ thuật ghép cà phê cho người dân

Đơn vị còn cấp cho người dân 19 tấn phân vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê. Sau 3 năm cải tạo, hầu hết các vườn cà phê đều cho năng suất cao, bình quân 12 tấn tươi/ha.

Còn tại huyện Đắk Song, những năm qua, để giúp các hộ khó khăn ổn định cuộc sống, huyện đã triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, ở bon Jâng Plây 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhóm 5 đảng viên thuộc Chi bộ Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao đóng góp, kêu gọi hỗ trợ cho gia đình ông Thanh mua dê, gà giống chăn nuôi.

ADQuảng cáo

Nhóm đảng viên này còn sắm sửa nhiều vật dụng như bếp ga, nồi cơm điện, thức ăn gia súc, gia cầm, mua BHYT… để phục vụ cuộc sống gia đình ông.

Ông Thanh cho biết: “Từ khi nhận được sự giúp đỡ của các đảng viên, gia đình tôi cải thiện cuộc sống, có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo”.

Theo lãnh đạo Đảng ủy xã Trường Xuân, mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” không chỉ đem đến nguồn động viên cho hộ nghèo mà còn thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa Đảng với Nhân dân.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 236 hộ, chiếm 6,99% dân số. Bình quân mỗi năm, xã giảm được 2,17% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Ông Lê Năng Diệp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song, các cấp cơ sở trên địa bàn có nhiều cách làm, mô hình giảm nghèo hay, hiệu quả.

Trong đó, mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo” ở Trường Xuân đem lại những kết quả tích cực, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình cao.

Với những cách làm hay đó, năm 2022, các tổ chức cơ sở đảng ở Đắk Song đã huy động được số tiền trên 1 tỷ đồng để giúp đỡ cho 79 hộ thoát nghèo, giảm 33 hộ cận nghèo theo chuẩn mới.

Khơi dậy quyết tâm giảm nghèo

Trong giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh Đắk Nông được Trung ương phân bổ trên 555 tỷ đồng để phục vụ công tác giảm nghèo.

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Tỉnh nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ các xã thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135…

dsc_0930(1).jpg
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân các huyện khó khăn ngày càng nâng cao
Ảnh: Lê Tuấn

Trong đó, tỉnh tập trung triển khai mô hình điểm giảm nghèo là nuôi bò sinh sản tại 2 xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), với tổng kinh phí 500 triệu đồng,

Tỉnh thực hiện 2 dự án giảm nghèo tại huyện Đắk Glong, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ngoài ra, việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo cũng được các đơn vị, đoàn thể như: hội nông dân, trung tâm khuyến nông, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… triển khai đạt kết quả tích cực.

Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả và được nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi gà lai chọi xã Đắk Ha (Đắk Glong), Đắk Ngo (Tuy Đức); Mô hình nuôi dê tại xã Quảng Trực (Tuy Đức); Mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Đắk Rmoan (Gia Nghĩa); Mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gia cầm và làm phân bón ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp)…

Riêng các cấp hội nông dân đã tổ chức hỗ trợ cho 6.061 lượt hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Đồng thời, hội nông dân xây dựng 39 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Công Tự , Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cùng với đa dạng các mô hình, dự án giảm nghèo, việc thay đổi phương thức hỗ trợ, chuyển từ “cho không” sang trợ giúp một phần là cách làm rất hay ở Đắk Nông.

Cách làm này là giúp đỡ có điều kiện, nên khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào chính sách ưu đãi. Hộ nghèo được hỗ trợ đã có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Việc triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã tận dụng và phát huy được năng lực hộ gia đình, cộng đồng. Trong quá trình triển khai các mô hình giảm nghèo, tư duy của người dân dần thay đổi. Bà con chủ động trong các hoạt động, tự lực vươn lên, tạo sinh kế thoát nghèo.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo ở Đắk Nông - những cách làm hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO