Giảm nghèo ở Đắk Nông đúng hướng, trúng trọng tâm
Công tác giảm nghèo năm 2024 đạt được những kết quả khả quan, góp phần để Đắk Nông thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025.
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả
Trong những năm qua, huyện Đắk Glong đã triển khai các mô hình, hỗ trợ cây, con giống để hộ nghèo có thêm sinh kế. Nhờ khai thác được lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân công lao động, qua 4 năm thực hiện, các mô hình sinh kế này đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực vào kết quả giảm nghèo.
Anh Lục Long Quân (dân tộc Tày), bon B’Nơr, xã Đắk Som huyện Đắk Glong là hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình GNBV). Sau gần 1 năm nuôi, 2 con bò giống sinh trưởng tốt, chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên.
Anh Quân cho biết, việc chăn nuôi rất thuận lợi khi nguồn thức ăn cho bò có sẵn tại địa phương. Mỗi ngày anh dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để đi cắt cỏ, dọn vệ sinh chuồng trại. Thời gian còn lại, anh vẫn có thể đi làm nương rẫy hoặc đi làm thuê cho người dân trong vùng.
“Qua một thời gian nuôi, tôi nhận thấy việc nuôi bò rất hiệu quả, ít tốn công chăm sóc. Sắp tới, ngoài có thêm bò con, tôi còn có thêm nguồn phân bón hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi. Trong đợt rà soát hộ nghèo của xã, gia đình tôi đã chủ động xin thoát nghèo để tạo động lực cho các hộ dân khác vươn lên”, anh Quân phấn khởi chia sẻ.
Ngoài mô hình nuôi bò, huyện Đắk Glong đang tập trung phát triển nghề nuôi thỏ với mục tiêu đưa nghề này thành nghề thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc địa phương.
Ông Bùi Văn Đình (dân tộc Mường), thôn 4, xã Đắk Plao, hiện đang nuôi hơn 400 con thỏ New Zealand. Mỗi năm ông Đình đã xuất bán hàng trăm con thỏ thương phẩm, giúp gia đình thoát nghèo. Bên cạnh đó, ông Đình còn hỗ trợ nhiều hộ dân khác trong vùng, hình thành tổ nuôi thỏ quy mô lớn tại xã Đắk Plao.
Theo ông Đình, nuôi thỏ cần ít vốn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại vật nuôi khác. Đặc biệt, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên nên mỗi ngày chỉ tranh thủ một vài tiếng để đi lấy thức ăn cho thỏ.
“Thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng… Trung bình, mỗi năm thỏ mẹ sinh sản khoảng 8 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg/con và có thể xuất bán. Với giá bán khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình có nguồn thu khoảng 6 - 8 triệu đồng”, ông Đình nói.
Tháng 11/2024, khi tới thăm mô hình nuôi thỏ của ông Đình và một số hộ dân tại xã Đắk Plao, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng khi mô hình của bà Tuyết đã khai thác được lợi thế về điều kiện tự nhiên, tạo việc làm và cơ hội thoát nghèo của các lao động địa phương.
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Sở LĐTB-XH và UBND huyện Đắk Glong đánh giá tổng thể các mô hình sinh kế mang lại hiệu quả cao, từ đó nghiên cứu phương án để có thể triển khai rộng rãi ra các địa phương khác, qua đó góp phần giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Giảm nghèo bao trùm, bền vững
Cùng với hỗ trợ sinh kế, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Người dân, đặc biệt là người thuộc diện hộ nghèo được tiếp cận các nhu cầu xã hội thiết yếu, cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…
Cuối năm 2024, anh Triệu Văn Quốc (dân tộc Dao), bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song đã thoát khỏi hộ nghèo của xã sau khi được hỗ trợ làm nhà và con giống.
Anh Quốc cho biết, 4 năm trước, sau khi con gái phát hiện bị suy thận mãn tính, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, mới đây, gia đình anh đã có tiền xây dựng một căn nhà mới. Bên cạnh đó, gia đình còn được Chi bộ bản Đắk Thốt hỗ trợ hơn 100 con gà giống, giúp vợ chồng anh Quốc có thêm thu nhập từ đàn gà này.
“Trước đây cả nhà phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nên rất sợ sập mỗi khi có mưa to, gió lớn. Được Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình tôi đã vay mượn thêm họ hàng 30 triệu để xây dựng căn nhà mới, vững chãi và kiên cố. Năm nay, ngoài canh tác hơn 1ha cà phê, gia đình tôi còn có khoản thu nhập từ đàn gà nên đã thoát nghèo”, anh Quốc cho hay.
Song song với công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và nhóm đối tượng chính sách, từ nguồn vốn giảm nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương cũng được hoàn thiện. Huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được liên kết với các địa phương khác, qua đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Là một trong số lõi nghèo của tỉnh Đắk Nông, cơ sở hạ tầng của xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đã có những thay đổi tích cực, tác động đến đời sống Nhân dân. Không chỉ trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được tu sửa, làm mới, nhiều tuyến đường bê tông cũng được đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho xã nghèo vươn lên phát triển.
Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo Phạm Xuân Lam cho biết, xuất phát điểm thấp về kinh tế, giao thông không thuận tiện, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ chú trọng đầu tư phát triển giao thông, đời sống người dân đã khởi sắc.
“Đến nay từ nguồn vốn của Trung ương và các nguồn vốn khác, nhiều tuyến đường giao thông liên bản, liên thôn của xã Đắk Ngo đã được cứng hóa đến tận các hộ gia đình. Địa phương kỳ vọng, những tuyến đường giao thông mới sẽ giúp kinh tế ngày càng phát triển, qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã”, ông Phạm Xuân Lam cho hay.
Kết quả rà soát, đến cuối năm 2024 số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hơn 5.163 hộ, chiếm tỷ lệ 2,99% trên tổng số hộ toàn tỉnh. So với cuối năm 2023, tỉnh Đắk Nông giảm được 3.675 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 2,19/2%, vượt nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh 8.118 hộ, chiếm tỷ lệ 4,71% trên tổng số hộ toàn tỉnh, vượt kế hoạch đề ra. So với cuối năm 2023, tỉnh giảm 3.079 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm là 1,86%.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ LĐTB - XH Nguyễn Thị Hà tháng 11/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, công tác giảm nghèo ở Đắk Nông đang đúng hướng, trúng trọng tâm. Nhờ các giải pháp giảm nghèo bền vững, bao trùm, đa dạng sinh kế cho người nghèo nên những năm qua, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông đều đạt kế hoạch, chỉ tiêu của nghị quyết