Tháo “nút thắt” tài sản, mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhiều chuyên gia nhận định, để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cần khơi thông dòng vốn tín dụng bằng cách cởi trói rào cản tài sản đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, hiện nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay doanh nghiệp lớn, ngại cho vay DNNVV do thiếu tài sản thế chấp.
Trong khi đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ nhiệm vụ cắt bỏ các rào cản về tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao đối với doanh nghiệp tư nhân. Đây được xem là cơ hội để khu vực này dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đến cuối năm 2024, tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng – tăng gần 15% so với năm trước, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, có hơn 208.000 DNNVV đang có dư nợ ngân hàng với tổng số tiền gần 2,74 triệu tỷ đồng.
“DNNVV là nhóm đối tượng được ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn hiện ở mức 4%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thông thường”, ông Tú nói.
Tại Agribank – một trong những ngân hàng lớn có mạng lưới tín dụng rộng nhất – hiện tổng dư nợ đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 65% là cho vay nông nghiệp, nông thôn. Riêng khối doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 90% dư nợ cho vay pháp nhân, theo bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank.
Dù quy mô tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, song thực tế cho thấy vẫn có tới 70% doanh nghiệp tư nhân chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Vấn đề mấu chốt là thiếu tài sản đảm bảo – theo đại diện nhiều doanh nghiệp.
Để tháo gỡ, Nghị quyết 68 yêu cầu hoàn thiện chính sách tín dụng, ưu tiên phân bổ một phần tín dụng thương mại cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xanh.
Cũng theo đó, các tổ chức tín dụng được khuyến khích cho vay theo phương án sản xuất – kinh doanh, dòng tiền, dữ liệu và chuỗi giá trị thay vì chỉ dựa vào tài sản đảm bảo. Tài sản hình thành trong tương lai, tài sản vô hình hay cả hình thức vay tín chấp cũng được xem xét.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất, khuyến khích tín dụng xanh và các khoản vay phục vụ các dự án tuần hoàn, áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Minh bạch để được tin tưởng
Nghị quyết 68-NQ/TW như một “cú hích” đúng lúc, chạm đến những điểm nghẽn lâu nay khiến cộng đồng doanh nghiệp trăn trở, đặc biệt là trong tiếp cận vốn. Ông Lương Quốc Toản – Phó Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang (Bắc Ninh) – cho biết, dù doanh nghiệp có máy móc hiện đại, hàng tồn kho lớn, nhưng ngân hàng vẫn chỉ chuộng tài sản thế chấp là bất động sản. “Không có 'sổ đỏ', rất khó được nâng hạn mức tín dụng”, ông Toản thẳng thắn.
Tình cảnh này không hiếm. Nhiều doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm, xuất khẩu đi hàng chục quốc gia, vẫn bị từ chối vay tín chấp vì ngân hàng “không dám mạo hiểm”.
Phía ngân hàng cũng có lý do riêng. Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại lớn chia sẻ, rủi ro tín dụng luôn là nỗi lo thường trực. “Chỉ cần một khoản vay thành nợ xấu, không chỉ ảnh hưởng lợi nhuận mà cán bộ tín dụng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông nói.
Chưa kể, tình trạng doanh nghiệp lập hai báo cáo tài chính – một để vay vốn, một để nộp thuế – vẫn diễn ra phổ biến. “Trong bối cảnh như vậy, ngân hàng sao dám tin tưởng cho vay tín chấp?”, vị này đặt câu hỏi.
Vấn đề mấu chốt, theo nhiều chuyên gia, là tính minh bạch. “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải đảm bảo an toàn vốn”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói. “Muốn được vay, doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực và triển vọng phát triển bằng dữ liệu rõ ràng”.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng tín dụng cao nhất thế giới – một con dao hai lưỡi. Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh huy động vốn, thay vì chỉ trông chờ vào ngân hàng. Khi sự minh bạch trở thành “vốn nền tảng”, niềm tin sẽ tự khắc đến.
Thúc đẩy đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân
Bên cạnh nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho kinh tế tư nhân. Cụ thể, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế vận hành của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của các công ty cho thuê tài chính.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng hạng và tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc huy động vốn ổn định với chi phí hợp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ cũng được đặt ra như một hướng đi mới để mở rộng nguồn lực tài chính cho khu vực này.