Pháp luật

Giám định tư pháp ở Đắk Nông: Thiếu nhân lực, thiếu quy chuẩn chuyên môn

Hoàng Thanh 10/06/2024 05:01

Giám định tư pháp (GĐTP) ở Đắk Nông dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Bảo đảm tròn vai

Theo Sở Tư pháp, Đắk Nông hiện có 2 tổ chức GĐTP công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm Pháp y (Sở Y tế). Ngoài ra, tỉnh còn có 2 tổ chức GĐTP theo vụ việc.

Đắk Nông có 80 giám định viên (GĐV) tư pháp ở các lĩnh vực. Trong đó, Phòng Kỹ thuật hình sự có 7 GĐV; Trung tâm Pháp y tỉnh có 4 GĐV; Sở NN-PTNN 32 GĐV; Sở GT-VT 6 GĐV; Sở Tài chính 5 GĐV; Sở TN-MT 9 GĐV; Sở KH-ĐT 3 GĐV; Sở Công thương 2 GĐV; Sở KH-CN 3 GĐV; Sở TT-TT 5 GĐV; Sở Xây dựng 1 GĐV; Sở VH-TT & DL 3 GĐV.

lực lượng công an xét nghiệm ma túy lái xe bằng que thử nước tiểu
Lực lượng công an xét nghiệm ma túy đối với tài xế bằng que thử nước tiểu

Đội ngũ GĐV tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Trình độ của GĐV tư pháp trong tất cả các lĩnh vực đều là đại học và trên đại học.

Đội ngũ GĐV không ngừng bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Các GĐV cơ bản đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu giám định; có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề.

Hoạt động GĐTP tại địa phương chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự. Các GĐV tư pháp tại các sở, ngành được lựa chọn từ những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong quá trình công tác.

Trong năm 2023, Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Nông thực hiện giám định 415 vụ việc; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh thực hiện giám định 677 vụ việc. Hầu hết các vụ việc giám định đều thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Qua đánh giá của Sở Tư pháp, các tổ chức GĐTP tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp đúng quy định. Kết quả giám định chính xác, khách quan, đáp ứng được yêu cầu, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tính từ 2020-2023, hầu hết các kết luận giám định trong các lĩnh vực về pháp y, kỹ thuật hình sự, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin truyền thông… đều kết luận đúng quy định, đúng quy trình thủ tục. Kết luận GĐTP được cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để giải quyết các vụ án, vụ việc.

80 giam dinh vien
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Đối với các vụ án hình sự, kết luận giám định tương đối phù hợp, chính xác, đúng thời hạn theo yêu cầu. Kết quả giám định đều là căn cứ để xác định yếu tố cấu thành tội phạm, yêu cầu bồi thường…

Các vụ án dân sự, tòa án đã thực hiện trưng cầu giám định khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Các kết luận giám định đều đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, yêu cầu.

Ngoài ra, có một số trường hợp phải yêu cầu giám định lại do đương sự không chấp nhận kết quả giám định, nhưng sau khi giám định lại không có sự thay đổi kết quả.

Số lượng các vụ việc giám định bổ sung trong lĩnh vực pháp y ở Đắk Nông năm 2019 có 8 vụ việc, năm 2020 có 2 vụ việc, năm 2021 có 6 vụ việc, năm 2022 có 4 vụ việc, năm 2023 có 1 vụ việc. Không có vụ việc trưng cầu giám định lại.

Còn nhiều khó khăn

Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, hiện nay, nhiều lĩnh vực còn thiếu người GĐTP, chưa bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công tác tố tụng. Việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi nội dung vượt quá khả năng chuyên môn hoặc chưa rõ ràng.

Hầu hết, các lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định. Không ít vụ việc phải giám định lại nhiều lần với kết quả khác nhau. Kết luận GĐTP ở một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.

img_1292.-md-2(2).jpg
Lực lượng chức năng giám định thiệt hại sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP. Gia Nghĩa do mưa lũ

Các lĩnh vực còn thiếu người GĐTP như: Kiểm toán; chứng khoán; tài sản công; tài chính doanh nghiệp; địa chất; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; di vật, cổ vật; quyền tác giả, quyền liên quan; pháp y tâm thần; bưu chính; công nghệ thông tin; phát thanh, truyền hình; âm thanh; súng, đạn; cháy, nổ; kỹ thuật số và điện tử; hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng; bảo hiểm tiền gửi... Hiện nay, nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa có người GĐTP thuộc phạm vi quản lý.

Cùng với đó, chất lượng công tác giám định đôi lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định. Các vụ việc yêu cầu GĐTP liên quan đến lĩnh vực về giá, tài nguyên và môi trường, tài chính, thuế, xây dựng khá phức tạp, cần nhiều thời gian để xem xét nên đội ngũ GĐV gặp khó khăn trong việc thực hiện giám định theo đề nghị của cơ quan trưng cầu giám định.

Theo ông Trần Văn Diêu, Giám đốc Sở Tư pháp, để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GĐTP cần tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về GĐTP; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan về vị trí, vai trò của GĐTP.

Tỉnh thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực GĐTP; trong trường hợp có quy định chưa thống nhất, còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc vướng mắc thì đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

bieu do phap y
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần quan tâm, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ GĐV tư pháp, đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm trang bị đầy đủ về kiến thức pháp luật GĐTP và các quy định của pháp luật có liên quan về tổ chức, hoạt động GĐTP, nhất là về kỹ năng tranh tụng tại tòa cho đội ngũ làm công tác GĐTP.

Việc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên cần được các bộ, ngành thực hiện thường xuyên giúp các giám định viên tránh được lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật, hiểu rõ quy định, quy trình giám định...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giám định tư pháp ở Đắk Nông: Thiếu nhân lực, thiếu quy chuẩn chuyên môn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO