Giải thưởng vinh danh thanh niên xuất sắc
Thành công khi tạo dựng được thương hiệu riêng sản phẩm nông nghiệp, nhiều thanh niên Đắk Nông được vinh danh ở Giải thưởng Lương Định Của. Giải thưởng một lần nữa khẳng định ý chí, tinh thần và khát vọng khởi nghiệp, làm giàu từ nông nghiệp của thanh niên Đắk Nông.
Phải có đam mê, khát vọng
Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông là một trong 56 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 15. Nhắc đến anh Hoàng, những người yêu thích cà phê sẽ biết đến thương hiệu cà phê sạch, cà phê nguyên chất mang tên Enjoy Coffee.
Theo chủ nhân thương hiệu Cà phê Enjoy, thời điểm khởi nghiệp năm 2013, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, niềm đam mê cà phê đã giúp anh Hoàng thành công trong việc xây dựng thương hiệu của mình. Sau 10 năm, anh đã liên kết, xây dựng hàng trăm héc ta nguyên liệu cà phê sạch, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho gần 70 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương.
Năm 2020, anh Lê Văn Hoàng và cộng sự tiếp tục với các sản phẩm từ ca cao. Mặc dù xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng sản phẩm ca cao của công ty anh Hoàng đã tạo được uy tín cho các đối tác nhờ quy trình chế biến đạt chuẩn, không sử dụng các chất phụ gia.
Chia sẻ về kinh nghiệm của một thanh niên khởi nghiệp thành công, anh Hoàng cho rằng: “Đối với thanh niên, việc khởi nghiệp sẽ ít nhiều gặp khó khăn, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện bản thân, phát huy sáng tạo, tinh thần, sức trẻ của mình. Điều quan trọng là mỗi thanh niên phải có đam mê để hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp”.
Kiên trì để thành công
Trong 57 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16, năm 2021 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn có chị Lê Thị Ly Na, chủ Cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Anna Food Đắk Nông. Mô hình phát triển kinh tế từ loài cây từng bị “lãng quên”, không những giúp chị Na khởi nghiệp thành công mà còn tạo đầu ra ổn định cho cây mãng cầu.
Theo chị Na, khoảng 20 năm trước, mãng cầu là loại cây được trồng khắp các tỉnh Tây Nguyên, hầu như nhà nào cũng có một, hai cây mãng cầu. Nhưng sau này, khi các loại cây ăn trái ngày càng đa dạng, mãng cầu dần bị quên lãng.
Năm 2018, chị Ly Na dành sự quan tâm đặc biệt tới loại cây này, khi tìm đọc rất nhiều tài liệu về các thực phẩm ngăn ngừa, phòng chống căn bệnh ung thư. Trong đó, nhiều tài liệu cho rằng, sử dụng mãng cầu thường xuyên có tác dụng hiệu quả trong việc chống lại các tế bào ung thư. Tuy nhiên, mãng cầu nhanh chín, thời gian bảo quản ngắn, từ đó giúp chị Ly Na lên ý tưởng về việc chế biến trà từ loại trái cây này.
Những ngày đầu làm trà mãng cầu khá chật vật và thất bại nhiều lần. Trong đó, nhiều mẻ trà đã không ra mùi, không ra vị. Rồi đến khâu chọn nguyên liệu không chuẩn, khiến chất lượng trà bị hỏng liên tục.
“Quá trình khởi nghiệp của tôi khá là gian nan. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu lớn để phát triển loại trà mãng cầu trên thị trường nên cơ sở vẫn kiên trì bám trụ và quyết tâm đi đến cùng với ý tưởng của mình. Mãi đến năm 2019, sản phẩm Trà mãng cầu Anna Food mới hoàn thiện và có mặt trên thị trường”, chị Ly Na cho hay.
Đến nay, nhiều dòng sản phẩm của Cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Anna Food được ra mắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trà mãng cầu Anna Food có mặt ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài hệ thống tiêu thụ truyền thống, chị Ly Na cũng phát triển những kênh bán hàng điện tử, thông qua zalo, facebook, sàn giao dịch điện tử đưa thương hiệu phát triển hơn.
Theo chị Ly Na, thông điệp khi xây dựng sản phẩm Trà mãng cầu Anna Food không chỉ là một sản phẩm mang tính nhân văn, hướng tới sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tạo tiền đề cho người dân xây dựng các mô hình khép kín, liên kết hộ gia đình trồng và sản xuất trái mãng cầu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đưa sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông vươn ra thế giới
Sau hơn 4 năm thực hiện, sản phẩm Trà mãng cầu Anna Food đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt OCOP 3 sao. Hiện Cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Anna Food đang liên kết với một đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản tại TP. Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm trà mãng cầu sang thị trường Mỹ.
“Sau khi hoàn thành việc kiểm định chất lượng sản phẩm, mỗi tháng cơ sở sẽ cung cấp cho thị trường này khoảng 500kg trà đóng gói. Dù số lượng còn ít, nhưng đây sẽ là cơ hội để nông sản Đắk Nông vươn xa hơn. Tôi hy vọng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sẽ có cơ hội, vị thế và sức cạnh tranh tại các thị trường quốc tế”, chị Lê Thị Ly Na chia sẻ.
Cũng giống như chị Ly Na, trong thời gian qua anh Lê Văn Hoàng nỗ lực đưa các sản phẩm của công ty đến tay người tiêu dùng quốc tế. Không chỉ có mặt tại các buổi triển lãm, giới thiệu sản phẩm, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông còn liên kết với các đối tác nước ngoài để giới thiệu, tiêu thụ cà phê, ca cao Đắk Nông.
Anh Hoàng thông tin, với cà phê và ca cao có chất lượng tốt, trong thời gian qua đơn vị tập trung vào hình thành nguồn nguyên liệu sạch, chế biến sâu, đa dạng mẫu mã để tăng sức cạnh tranh. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở 4 quốc gia, đồng thời được nhiều đoàn khách quốc tế đánh giá cao về chất lượng.
Anh Hoàng chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê, cao cao, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn sản phẩm. Trong thời gian tới, công ty tập trung các giải pháp chế biến sâu, giúp nâng cao giá trị nông sản, hướng tới mục tiêu khẳng định chất lượng nông sản Đắk Nông và năm 2023-2024 sẽ trở thành một trong những đơn vị sản xuất chocolate (sản phẩm từ ca cao) tốt nhất Việt Nam”.