Nông nghiệp - Nông thôn

Giải pháp phòng trừ sâu hại cho vụ lúa hè thu ở Đắk Nông

Kim Ngân 03/07/2023 05:24

Vụ hè thu năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông dự kiến xuống giống 7.754 ha lúa, sản lượng ước đạt 48.724 tấn. Hiện nay, người dân các địa phương đang xuống giống, chăm sóc lúa để hướng tới một vụ mùa thắng lợi.

ADQuảng cáo

Để vụ lúa hè thu diễn ra an toàn, hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân chú trọng sử dụng các giống mới, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết.

img-2459-1-.jpg
Người dân xã Đắk D'rô (Krông Nô) làm đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Tại huyện Krông Nô, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng phương án sản xuất, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho mùa vụ.

Trong đó, huyện đã chú trọng rà soát, cân đối nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây lúa…

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô cho biết, huyện đã yêu cầu các địa phương tuân thủ lịch thời vụ và gieo cấy lúa tập trung.

Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các xã xác định cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, chuẩn bị đủ nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất, chú trọng thâm canh tăng vụ.

Cũng theo ông Lộc, vụ hè thu 2023, huyện Krông Nô gieo trồng 2.576 ha lúa nước, sản lượng ước đạt 17.340 tấn. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện lồng ghép các nguồn vốn phục vụ công tác khuyến nông, nhân rộng các vùng chuyên canh sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Còn tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút… để giúp nông dân sản xuất đạt kết quả cao, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phòng trừ bệnh hại trên cây lúa.

ADQuảng cáo

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua đúc rút kinh nghiệm từ các vụ lúa vụ hè thu cho thấy, vụ này dịch bệnh tác động rất lớn.

Do vậy, tùy theo đặc điểm từng chân ruộng, mùa vụ, bà con cần điều chỉnh lượng phân bón theo từng thời kì cho phù hợp với sinh trưởng của cây lúa.

Đặc biệt, bà con không bón đạm nhiều và muộn vào giai đoạn khi lúa đã phân hóa đòng (trừ trường hợp lúa xấu, lá vàng). Nếu bón đạm, lúa dễ nhiễm sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn...

dsc_7358(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn 2, xã Cư K'nia (Cư Jút) phòng trừ bệnh bọ trĩ cho ruộng lúa hè thu

Bà Thảo cho biết, mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ trên cây lúa kéo dài từ 5 - 7 ngày. Để tránh rầy, bà con cần gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, cây lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.

Ngoài ra, vụ hè thu cũng xuất hiện khá nhiều loại sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, sâu năn, bệnh vàng lá, lem lép hạt, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn…

Đây là các đối tượng sâu, bệnh hại phổ biến trong thời vụ. Tuy nhiên, tùy theo loại sâu, bệnh hại, bà con áp dụng các biện pháp phòng trừ hợp lý, hiệu quả hơn.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, do thành phần thiên địch của loại sâu này thường rất nhiều trên đồng ruộng. Do vậy, bà con không nên phun thuốc trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ.

Khi ruộng lúa bị bọ trĩ gây hại, bà con cần giữ nước và tăng cường bón phân, chăm sóc lúa thường xuyên. Khi bị bọ trĩ gây hại nặng, ngoài sử dụng thuốc hoá học, bà con có thể dùng chế phẩm từ thảo mộc chiết xuất lên men của tỏi, gừng, ớt để xua đuổi, hạn chế chích hút của bọ trĩ. 

"Điều hết sức quan trọng là khi sâu bệnh hại xuất hiện, bà con cần thông báo với ngành chuyên môn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn", bà Thảo nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phòng trừ sâu hại cho vụ lúa hè thu ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO