Giải pháp nào để chống thoái hóa đất ở Đắk Nông?
Để chống thoái hóa đất, Đắk Nông triển khai các hoạt động canh tác bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đất ngày càng bạc màu
Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh trên 86.000ha, cây lâu năm khoảng 235.000ha.
.jpg)
Những năm qua, do việc khai thác sử dụng đất của người dân không hợp lý, dẫn đến đất sản xuất ngày một thoái hóa, bạc màu, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có hơn 2ha đất sản xuất. Những năm gần đây, diện tích đất canh tác của gia đình ông Thắng ngày một cằn cỗi, năng suất cây trồng bị giảm dần.
Ông Thắng cho biết: “Qua nhiều năm canh tác, độ mùn trong đất bị mất dần, cây trồng sinh trưởng, phát triển kém. Trong khi đó, lượng phân bón ngày càng tăng đồng nghĩa với việc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất”.
Theo ông Thắng, đây là tình trạng của hầu hết các hộ nông dân đều gặp phải. Vì vậy, vấn đề đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động ngày càng tăng, nhưng lợi nhuận tỷ lệ nghịch với đồng vốn và công sức bỏ ra.
Theo các chuyên gia, đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do việc sử dụng không hợp lý đất và các hoạt động nông nghiệp không bền vững.
Trong đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học cũng là yếu tố chính gây thoái hóa đất, dẫn đến suy giảm chất lượng đất và ảnh hưởng đến hệ sinh vật đất.
.jpg)
Mặt khác, Đắk Nông có địa hình chia cắt mạnh, chủ yếu là dạng đồi núi, dẫn đến đất bị xói mòn. Các vùng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán làm gia tăng mức độ thoái hóa đất.
Ngoài ra, do thời tiết diễn biến bất thường, làm cơ cấu diện tích gieo trồng trong các mùa vụ bị biến động, diện tích sử dụng hiệu quả bị thu hẹp.
Giúp nông dân canh tác thuận tự nhiên
Trước tình trạng việc sử dụng đất kém hiệu quả, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã triển khai các giải pháp canh tác hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ thuận tự nhiên giúp cải thiện đất sản xuất, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô có 5ha cà phê đang cho thu hoạch. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ông Dũng đã tận dụng nguồn vỏ cà phê để ủ hoai làm phân vi sinh và tạo lớp phủ cho cây cà phê.
.jpg)
“Cách làm này giúp tôi giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và cải tạo độ phì nhiêu của đất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học. Đặc biệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình loại bỏ chất thải bằng cách đốt”, ông Dũng cho biết.
Tương tự, ông Lê Thanh Mười ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song cũng đang áp dụng giải pháp cải thiện đất sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính.
“Hiện nay, trên vườn hồ tiêu của tôi đã trồng xen nhiều loại cây như cà phê, sầu riêng, bơ, mắc ca… Từ khi thực hiện phương pháp canh tác thuận tự nhiên, vườn tiêu trở nên xanh tốt nhờ canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường”, ông Mười cho biết thêm.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), qua tổng kết nhiều điểm quan trắc tại các tỉnh Tây Nguyên cũng như tỉnh Đắk Nông cho thấy lượng chất dinh dưỡng trung bình hàng năm trên 1ha đất sản xuất suy giảm khá lớn.
.jpg)
Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), người đã nhiều năm gắn bó cùng nông dân Đắk Nông cho biết, WASI luôn khuyến cáo người dân ưu tiên áp dụng các phương pháp truyền thống như tạo thảm cỏ trong vườn cà phê, hồ tiêu để cải thiện đất sản xuất.
“Chúng tôi cũng mong muốn rằng, bà con nông dân hãy thay đổi tập quán canh tác. Đó là phải quản lý cỏ dại, duy trì cây che bóng trong mùa khô, đồng thời tận dụng xác bã thực vật để làm lớp phủ hoặc ủ hoai làm phân vi sinh bón cho cây trồng nhằm góp phần bảo vệ đất, cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây”, thạc sĩ Đào Lan Hoa cho biết thêm.