Giải pháp nào cho hàng Việt trước rào cản thuế quan mới từ Mỹ?

Thanh Cao| 04/04/2025 13:18

Chính sách áp thuế 46% của chính quyền Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường. Việc tận dụng các “lá chắn” chiến lược từ các hiệp định thương mại tự do sẽ là giải pháp hiệu quả, giúp doanh nghiệp chủ động tìm lối đi mới và giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Tăng tốc chuyển đổi thị trường

Việc Mỹ áp mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đã dấy lên nhiều lo ngại về những thách thức ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước khi xuất khẩu sang thị trường này.

Không chỉ phải chịu thêm chi phí, các DN còn có nguy cơ đánh mất đơn hàng hiện có hoặc khó giành được đơn hàng mới do mất lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác tại một thị trường được xem là cực kỳ quan trọng.

Mức thuế quan mới đặt ra áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, khiến giá hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ có thể cao hơn đến 46% so với hàng nội địa hoặc sản phẩm từ các nước có mức thuế ưu đãi hơn. Những ngành có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm: điện tử, dệt may, nội thất, giày dép và thủy sản – các lĩnh vực vốn đóng vai trò chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Từ góc nhìn của một DN trong ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) – nhận định rằng mức thuế đối ứng 46% là gánh nặng quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của cả người tiêu dùng Mỹ lẫn các DN Việt.

Ông cho biết, với con tôm Việt Nam, ngoài mức thuế mới, hiện còn đang chịu hai loại thuế khác liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, với mức thuế hiện hành lần lượt là 0% và 2,84%.

Ông Lực thẳng thắn đánh giá rằng môi trường kinh doanh tại Mỹ hiện rất khắc nghiệt – đúng như câu nói "thương trường là chiến trường". Trước tình hình này, nhiều DN đã bắt đầu tính đến việc chuyển hướng thị trường. Đây là lúc bản lĩnh của người điều hành được thể hiện, và ông tin tưởng các DN Việt đủ khả năng thích ứng.

Đồng quan điểm, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) – cho rằng khi Mỹ không còn là thị trường lý tưởng, các DN cần chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu. Với ngành điều, ông Nhựt cho biết hiện đang hướng đến thị trường Trung Đông để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thị trường Mỹ. Ông nhận định đây có thể là thị trường thay thế phù hợp nếu Mỹ không còn đóng vai trò chủ lực trong tương lai.

Trước bài toán về cách ứng phó với thuế quan mới, Tiến sĩ Scott McDonald – chuyên gia về chuỗi cung ứng và logistics – cho rằng DN Việt Nam nên cân nhắc nhiều hướng đi khác nhau. Đặc biệt, việc đa dạng hóa thị trường là bước đi cần thiết để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Theo ông, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở ra nhiều cơ hội. Chẳng hạn, Hiệp định CPTPP giúp DN tiếp cận thuận lợi các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand. Hiệp định EVFTA mang lại lợi thế thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, RCEP và UKVFTA cũng tạo điều kiện tiếp cận các thị trường khu vực châu Á và Anh Quốc với nhiều ưu đãi.

Cùng quan điểm, ông Suan Teck Kin – Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB Group – trong buổi gặp gỡ với cộng đồng DN tại TP.HCM, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo ông, đây là yếu tố then chốt trong việc quản trị rủi ro cho nền kinh tế hướng ngoại như Việt Nam.

Giải pháp nào cho hàng Việt trước rào cản thuế quan mới từ Mỹ
Việc tận dụng các “lá chắn” chiến lược từ các hiệp định thương mại tự do sẽ là giải pháp hiệu quả, giúp doanh nghiệp chủ động tìm lối đi mới và giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Hiệp định thương mại tự do – Vũ khí chiến lược trong hội nhập

Trong bối cảnh đối mặt với đợt chiến tranh thương mại mới từ phía Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển ngày 3/4 đã nhấn mạnh chiến lược xuất khẩu mới của Việt Nam hướng vào thị trường Bắc Âu. Theo đó, Hiệp định EVFTA được xem là một lợi thế chiến lược quan trọng giữa những biến động toàn cầu. Trong làn sóng gia tăng của các rào cản thương mại và xu hướng bảo hộ, EVFTA đang trở thành “lá chắn” giúp hàng hóa Việt Nam duy trì vị thế tại thị trường châu Âu.

Các ngành có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định này bao gồm: dệt may, da giày, thủy sản, nông sản chế biến, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện và điện tử.

Thương vụ cũng lưu ý rằng, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét lại chiến lược xuất khẩu sang EU và đặc biệt là thị trường Bắc Âu – nơi vừa có sức tiêu dùng cao, vừa sở hữu khuôn khổ hợp tác thuận lợi thông qua EVFTA. Một điểm tích cực khác là diễn biến tỷ giá hiện đang có lợi cho hàng Việt, giúp tăng khả năng cạnh tranh tại khu vực này.

Bên cạnh đó, trong khi chính sách thuế mới từ Mỹ là một thách thức không nhỏ, Thương vụ cho rằng đây cũng là thời điểm thích hợp để Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt với các đơn hàng ngắn hạn.

Ngoài ra, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ dựa vào giá rẻ sang các giá trị như chất lượng, bền vững và minh bạch nguồn gốc. Việc đầu tư vào các tiêu chuẩn châu Âu như nhãn sinh thái (eco-label), dấu vết carbon (carbon footprint) hay chứng nhận trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) sẽ góp phần nâng cao niềm tin từ người tiêu dùng Bắc Âu. Hơn nữa, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa các ưu đãi thuế từ EVFTA và định vị hàng Việt như một "giải pháp thay thế đáng tin cậy" trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn về tương lai, trước nguy cơ Mỹ áp thuế lên tới 46%, Tiến sĩ Scott McDonald cho rằng các doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược xuất khẩu cân bằng – kết hợp đa dạng thị trường, linh hoạt trong sản xuất và quản lý tài chính chặt chẽ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng hiệu quả hơn so với việc tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Mỹ bất chấp các chi phí thuế mới.

Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm hiểu và thiết lập quan hệ sản xuất với những quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi thuế mới, hoặc được miễn trừ hoàn toàn. Theo thông tin từ chính quyền Tổng thống Trump, Canada và Mexico sẽ không bị áp mức thuế mới do có các hiệp định riêng liên quan đến nhập cư và kiểm soát ma túy – điều này mở ra tiềm năng hợp tác chiến lược trong sản xuất với hai quốc gia này.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/giai-phap-nao-cho-hang-viet-truoc-rao-can-thue-quan-moi-tu-my-137538.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/giai-phap-nao-cho-hang-viet-truoc-rao-can-thue-quan-moi-tu-my-137538.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Giải pháp nào cho hàng Việt trước rào cản thuế quan mới từ Mỹ?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO