Giải mã bí ẩn về nguồn gốc của những “người hộ vệ xanh” bao báp

03/07/2024 16:30

Trong hàng triệu năm, những cây bao báp to lớn đã "đứng gác" trên ba vùng đất rộng lớn khác nhau, qua đó đặt ra một câu hỏi rằng đâu mới là nơi chúng hiện diện đầu tiên?

Cây bao báp khổng lồ không có nguồn gốc từ lục địa châu Phi như người ta vẫn tưởng. (Nguồn: CNN)
Cây bao báp khổng lồ không có nguồn gốc từ lục địa châu Phi như người ta vẫn tưởng. (Nguồn: CNN)

Những cây bao báp khổng lồ thường rất khó lẫn với những loại cây khác, do có phần thân khá to và tán lá rậm rạp. Cây bao báp có thể sống lâu tới hơn 1.000 năm. Chúng đóng vai trò là một trong những loài thực vật cực kỳ quan trọng tại môi trường rừng khô ở Madagascar, lục địa châu Phi và khu vực Tây Bắc Australia.

Được mệnh danh là “mẹ của những khu rừng” hay “cây sự sống”, gần như mọi bộ phận của cây bao báp đều có thể được con người và động vật sử dụng. Điều này cho thấy cây bao báp rất có giá trị đối các hệ sinh thái nơi chúng sinh trưởng.

Tuy nhiên, danh tiếng của những cây bao báp này còn trở nên lớn hơn do những bí ẩn liene quan tới nguồn gốc của chúng. Cho đến tận bây giờ, cộng đồng khoa học vẫn tranh cãi về nhiều giả thuyết khác nhau liên quan tới cây bao báp, trong đó hướng được ủng hộ lớn nhất cho rằng chúng có nguồn gốc từ trong lục địa châu Phi.

Rất đáng tiếc, một nghiên cứu khoa học đăng tải vào tháng trước trên tạp chí Nature đã bác bỏ giả thuyết này. Trong nghiên cứu đó, một nhóm các học giả quốc tế đã giải mã thành công bộ gene của cả 8 loại cây bao báp đang tồn tại, đồng thời kiểm tra mối quan hệ của chúng với nhau. Họ kết luận rằng chúng đều có nguồn gốc từ Madagascar - một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Đông Nam của lục địa châu Phi.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh những cây bao báp trên đảo quốc Madagascar đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, đây cũng chính là nơi có sự hiện diện của 6/8 loài cây bao báp trên thế giới, với 1 loài sẽ bị tuyệt chủng vào năm 2080 trừ khi nhân loại đưa ra những biện pháp can thiệp cần thiết.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của cây bao báp, vì chúng ta không tìm thấy hóa thạch cổ xưa hoặc tổ tiên nào của loài cây này. Vì thế, Vườn Bách thảo Vũ Hán của Trung Quốc, Vườn Bách thảo Hoàng gia và Đại học Queen Mary của Anh cùng Đại học Antananarivo ở Madagascar đã quyết định hợp tác với nhau để khám phá bí ẩn.

Tiến sĩ Wan Jun-Nan, một trong những tác giả của nghiên cứu và đang công tác tại Vườn Bách thảo Vũ Hán ở Hồ Bắc, Trung Quốc, cho biết rằng các nghiên cứu trước đó về cây bao báp thu được rất ít dữ liệu di truyền. Tuy nhiên với việc đã giải mã thành công bộ gene của các loài bao báp, giờ đây nhóm nghiên cứu đã có thể "kể một câu chuyện hay ho về lịch sử tiến hóa của loài này".

Câu chuyện được bắt đầu với sự phát triển bùng nổ của bao báp ở Madagascar vào thời điểm cách nay 21 triệu năm trước, thậm chí trước cả khi loài cây này (tên khoa học là Adansonia) bắt đầu phân hóa ra những nhánh khác nhau, dẫn tới việc có 2 nhánh đi sâu vào lục địa Châu Phi và Australia (khoảng 12 triệu năm trước).

Thời điểm này siêu lục địa Gondwana đã kết thúc quá trình phân tách (siêu lục địa này gồm các khối đất đá đã tạo ra những lục địa ngày nay ở Nam bán cầu, gồm châu Nam Cực, Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, bán đảo Arabia, Australia, New Guinea và New Zealand.) Vì vậy, cây bao báp có khả năng đã mở rộng phạm vi sinh sống của nó nhờ việc hạt của cây được nước lũ đẩy ra biển và trôi tới những vùng đất khác.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sự biến đổi dòng gene của cả 8 loại bao báp. Tiến sĩ Wan cho biết, dữ liệu cho thấy mức độ đa dạng di truyền thấp giữa hai loài cây bao báp. Dữ liệu cũng phát hiện ra tình trạng lai cận huyết của một loài bao báp với loài bao báp khác "mắn đẻ" hơn, qua cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự cạnh tranh để tồn tại giữa các nhánh cây bao báp ngày nay và có thể giúp bảo vệ chúng trong tương lai.

“Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, người dân Madagascar có thể chăm sóc cây bao báp bằng cách coi chúng là những loài khác nhau, chứ không gộp vào một chủng loại duy nhất," Tiến sĩ Wan chia sẻ.

Trong số 8 loài bao báp đang tồn tại hiện nay, chỉ có một loài không nằm trong Sách Đỏ các loài sinh vật bị đe dọa của IUCN (Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế). Loài cây này đang sinh trưởng ở lục địa Châu Phi.

Ba loài bao báp khác sống ở Madagascar đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu mới khuyến nghị IUCN nên phân loại rõ ràng các loài cây bao báp đang gặp nguy hiểm từ nhóm “có nguy cơ tuyệt chủng” thành “cực kỳ nguy cấp”. Hoạt động lập mô hình khí hậu cho thấy rằng chúng có thể tuyệt chủng trong vòng 50 năm tới, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ hơn.

Tiến sĩ Wan cho biết ông hy vọng nghiên cứu và sự chú ý của giới truyền thông sẽ thúc đẩy những nỗ lực bảo tồn hơn nữa loài bao báp trên đảo Madagascar.

Trong khi ca ngợi những đột phá trong nghiên cứu mới, ông thừa nhận vẫn còn có những hạn chế như nhóm mới chỉ giải mã bộ gene của một cây bao báp trong từng loài. Ông hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ mở rộng việc lấy mẫu và trả lời được các câu hỏi mới liên quan tới loài cây này.

Ông cũng thừa nhận khả năng tìm thấy hóa thạch để làm bằng chứng cho những kết luận về dữ liệu di truyền là rất nhỏ. Vì vậy, có lẽ sau cùng những “người hộ vệ xanh” này vẫn còn giữ được phần nào bí ẩn liên quan tới chúng./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-bi-an-ve-nguon-goc-cua-nhung-nguoi-ho-ve-xanh-bao-bap-post962713.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-bi-an-ve-nguon-goc-cua-nhung-nguoi-ho-ve-xanh-bao-bap-post962713.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giải mã bí ẩn về nguồn gốc của những “người hộ vệ xanh” bao báp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO