Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Giải bài toán nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ

Đức Diệu 24/05/2024 16:26

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị có giải pháp, quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị.

ADQuảng cáo

Bước vào ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, đại biểu thảo luận tập trung ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

toan-2-24.png
Toàn cảnh phiên thảo luật tại hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 24/5

Đại biểu Dương Khắc Mai nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật theo hồ sơ trình của Chính phủ, các báo cáo, bản tổng hợp được gửi kèm theo dự thảo Luật lần này. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp và thực hiện hoạt động quản lý.

Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý sâu về 3 nhóm vấn đề của dự thảo Luật này.

Thứ nhất, về nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng: người làm lưu trữ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị được chú trọng, quan tâm và đưa vào một điều riêng đó là Điều 61 của dự thảo bởi tính chất quan trọng của hoạt động lưu trữ; đồng thời, quy định được hưởng chế độ ưu đãi ngành, nghề, công việc đặc thù, chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

mai-ngay-24.png
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, quá trình thực thi luật này cần nghiêm túc và đề cao tính thực tiễn, hiệu quả

Ở đây, đại biểu chưa bàn đến số lượng, vị trí việc làm của người làm lưu trữ ở cơ quan, đơn vị, bởi đã được điều chỉnh bằng pháp luật về công chức, viên chức và trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế mà chỉ đề cập đến việc nguồn nhân lực lưu trữ để đáp ứng rất nhiều nhiệm vụ theo dự thảo luật. Vấn đề thực tiễn hiện nay, rất nhiều cơ quan ở cấp tỉnh, chỉ bố trí được một người vừa làm văn thư, vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là văn thư – lưu trữ, và việc chính chủ yếu là thực hiện công tác văn thư. Với khối lượng công việc văn thư ngày càng nhiều do yêu cầu nhiệm vụ tại các đơn vị chuyên môn ngày càng tăng, xử lý công việc đồng thời bằng phần mềm và thủ công thì thời gian làm việc trong ngày chỉ dành cho công tác văn thư và nhiệm vụ lưu trữ bị bỏ ngõ. Do đó, tài liệu lưu trữ buộc phải tồn đọng, tích đống do không có thời gian và nguồn lực để thực hiện. Để giải quyết vấn đề, các cơ quan sử dụng dịch vụ chỉnh lý tài liệu, việc này dẫn đến tốn kém về kinh phí và chưa giải quyết các tồn tại hiện có.

Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị có giải pháp, quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị.

Về cơ sở vật chất phục vụ công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng dự thảo luật lần này đã quy định khá cụ thể, chi tiết về kho lưu trữ để phục vụ cho hoạt động lưu trữ và giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị và được ngân sách bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều cơ quan, việc bố trí kho lưu trữ đang chật hẹp, kho tạm chưa bảo đảm, chưa trang bị đầy đủ các phương tiện, cơ sở vật chất, hệ thống phòng chống hỏa hoạn… và trên phương diện nào đó, có thể nói vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan, làm ảnh hưởng đến giá trị của tài liệu và phục vụ công tác lưu trữ về lâu dài. Để bảo đảm việc bố trí kho lưu trữ và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quá trình thực thi luật này cần nghiêm túc và đề cao tính thực tiễn, hiệu quả.

Liên quan đến Chứng chỉ hành nghề lưu trữ theo Điều 56 của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng nghề lưu trữ có vai trò quan trọng trong hoạt động lưu trữ, từ đó, việc quy định về chứng chỉ hành nghề lưu trữ cần bảo đảm chặt chẽ, tiến tới việc chuyên nghiệp và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung thêm một số nội dung như: tại điểm c khoản 2 Điều 56 quy định việc “Không được cho người khác thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ hành nghề được cấp” là chưa bảo đảm chặt chẽ, vì có trường hợp mượn chứng chỉ theo thỏa thuận của hai bên không nhằm mục đích hành nghề hay chỉ để xem mà không vi phạm pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định lại điểm này như sau: “Không được cho người khác thuê, mượn, sử dụng chứng chỉ hành nghề được cấp để hành nghề lưu trữ”.

Với mục đích hướng đến sự chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung khoản 3 Điều này về điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ phải trải qua một thời gian nhất định (3 tháng hoặc 6 tháng) đào tạo nghề lưu trữ, đơn vị đào tạo và khung đào tạo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định hoặc cần phải có quy định về kinh nghiệm trong hoạt động lưu trữ.

Ngoài ra, dự thảo Luật có quy định về kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức theo điểm d khoản 3. Tuy nhiên, việc kiểm tra như thế nào thì chưa được đề cập. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung việc giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết việc kiểm tra nghiệp vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO