Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chương trình đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn; cả nước phấn đấu ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý.
Mỗi tỉnh, thành phố triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên, với công nghệ phù hợp; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy xây dựng NTM, không chỉ vấn đề bảo vệ môi trường mà còn phải tính đến bảo tồn, khai thác các giá trị môi trường để đa dạng thêm sinh kế, nâng cao đời sống người dân.
Do đó, các bộ, ngành liên quan nên tăng số lượng, đa dạng các mô hình bảo vệ, khai thác môi trường tại các vùng miền khác nhau như: miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng hạn hán, vùng xâm nhập mặn…
Rác thải nhiều tại khu vực nông thôn Đắk Nông vẫn chưa được xử lý đúng cách |
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ NN-PTNT nên ưu tiên xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, văn hóa gắn với khai thác các giá trị của môi trường để tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân.
Cụ thể, đối với Bắc Kạn, giá trị về môi trường rừng là rất lớn. Tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng đạt mức cao, với 73,7%. Chính vì thế, tỉnh có thể xây dựng đa dạng hơn các mô hình người dân khai thác giá trị rừng để phát triển kinh tế, du lịch.
Liên quan đến mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng, trước hết là vấn đề quy hoạch.
Mỗi tỉnh, thành phố phải chỉ rõ được quy hoạch quỹ đất, quy hoạch phát triển các khu vực xử lý nước thải, rác thải ở đâu, như thế nào. Cùng với đó, các địa phương nên có tư duy xây dựng các khu, cụm xử lý chất thải, nước thải theo hình thức liên hợp.
Tại Đắk Nông, theo đánh giá, công tác bảo vệ, khai thác giá trị môi trường đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và thường xuyên có các chủ trương, chính sách để phát triển lĩnh vực này.
Thế nhưng, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa được đầu tư, diện tích rộng, địa hình chia cắt, dân cư không tập trung. Ý thức của người dân trong khai thác, bảo vệ môi trường hiệu quả chưa được nâng cao.
Số xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM chưa cao. Đến nay, mới có 32/60 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường. Nhiều tổ chức, cá nhân còn khai thác môi trường một cách tùy tiện, không tuân thủ quy định chung.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khai thác môi trường có hiệu quả. Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân.
Tỉnh cũng đa dạng hóa các mô hình khai thác, bảo vệ môi trường hiệu quả. Từ đó, tạo nền tảng cho sản xuất bền vững.