Kinh tế

Giá trị kinh tế trang trại ở Đắk Nông

Thanh Nga 12/04/2023 06:25

Những năm qua, kinh tế trang trại ở Đắk Nông phát triển mạnh. Trong đó, có những trang trại có thu nhập rất cao, tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Ngọc Trung, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong những nông dân sớm xác định đầu tư phát triển trang trại. Cách đây 20 năm, ông cùng một số hộ dân đầu tư trang trại trồng sầu riêng, với quy mô 65 ha.

Ông Trung cho biết: “Ngay từ năm 2005, chúng tôi đã xác định trồng sầu riêng và phải phát triển theo hướng trang trại thì mới có đầu ra cho sản phẩm ổn định. Chúng tôi trồng sầu riêng tập trung để áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế bền vững”.

img_0151(2).jpg
Phát triển kinh tế trang trại giúp nông dân cơ giới hóa sản xuất hiệu quả

Với tư duy mới, trang trại Gia Trung được quy hoạch bài bản, phù hợp để áp dụng cơ giới vào chăm sóc, thu hoạch sầu riêng. Mỗi năm, trang trại thu về hàng tỉ đồng từ vườn sầu riêng.

Nhiều năm qua, sầu riêng của trang trại đã được chứng nhận VietGAP. Đầu năm 2023, trang trại được cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra cơ hội phát triển tốt hơn.

Còn ông Ngô Xuân Hiếu, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), có 30 ha đất cũng được đầu tư phát triển trang trại trồng các loại cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu. Mỗi năm trang trại này thu về khoảng 7 tỉ đồng.

Sau 15 năm đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hiện nay trang trại được gắn với phát triển du lịch sinh thái để có thêm nguồn thu và tạo đầu ra sản phẩm tốt hơn.

ADQuảng cáo
img_0082(2).jpg
Trang trại của ông Ngô Xuân Hiếu, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), được thiết kế, bố trí cây trồng bài bản 

Ông Hiếu cho biết, nếu có diện tích đất lớn thì phải nghĩ ngay đến kinh tế trang trại. Phát triển lên mô hình kinh tế trang trại mới có sự định hướng, quy hoạch tốt hơn.

"Khi trồng có quy hoạch, mình sử dụng cơ giới, máy móc hiện đại vào chăm sóc cây trồng dễ dàng hơn, giúp giảm nhiều công sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao", ông Hiếu cho biết.

Từ thành công của bản thân, ông Hiếu cùng với các hộ nông dân đã thành lập HTX Thương mại – du lịch SANGS FARM. HTX có quy mô 100 ha cây trồng các loại như bơ, bưởi, sầu riêng hồ tiêu, cà phê....

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều nông dân chọn phát triển kinh tế trang trại. Việc hình thành các mô hình trang trại đã tập hợp, liên kết sản xuất một cách bài bản, quy mô, chuyên nghiệp hơn.

Trang trại cũng giúp các hộ dân dễ dàng hơn trong tham gia kinh tế tập thể, thành lập HTX... nhằm phát triển bền vững. Điển hình như trang trại Gia Trung, HTX thương mại – du lịch SANGS FARM và nhiều mô hình khác.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có khoảng 1.100 trang trại, trong đó gần 1.000 trang trại trồng cây lâu năm, 60 trang trại chăn nuôi. Đa số các trang trại đạt lợi nhuận từ 100 - 300 triệu đồng/ha/năm. Điển hình một số trang trại đạt thu nhập trên 1 tỉ đồng/ha/năm.

Phát triển kinh tế trang trại ở Đắk Nông đang tạo tiền đề cho việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Trang trại giúp người dân có thể liên kết, đồng bộ hóa các khâu xây dựng thương hiệu nông sản tốt hơn.

Kinh tế trang trại cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị kinh tế trang trại ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO