Kinh tế

Giá trị của rừng chè cổ thụ ở Vườn quốc gia Tà Đùng

Hưng Nguyên 06/05/2025 08:02

Các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều cá thể chè trên 100 năm tại Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông). Trong đó, cây chè cổ nhất được ghi nhận là giống chè cám (Camellia furfuracea), với tuổi đời 123 năm.

Viện Công nghệ sinh học và môi trường cùng Trường Đại học Tây Nguyên đang thực hiện Đề tài nghiên cứu các loài chè phân bố tại Vườn quốc gia Tà Đùng, xác định giá trị và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát triển có hiệu quả.

checotrendinhtadung-5-(1).jpg
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, thu thập và phân tích chè bản địa tại khu vực đỉnh núi Tà Đùng

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, thu thập và phân tích 117 mẫu của 7 loài chè bản địa tại khu vực Vườn quốc gia Tà Đùng. Trong đó, 10 cá thể chè ước lượng có tuổi đời từ 100 năm trở lên. Cá thể chè lâu năm nhất được ghi nhận là giống chè cám (Camellia furfuracea), tuổi đời 123 năm.

che-6-(1).jpg
Các loại chè cổ phân bổ trên đỉnh núi Tà Đùng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Các loài chè cổ tiêu biểu được phát hiện gồm: Camellia kissii (chè kiss), Camellia bidoupensis (trà mi bidoup), Camellia sinensis (chè xanh), Camellia luu ana (chè lưu) và Camellia furfuracea (chè cám).

Chè cổ phân bố tự nhiên trên độ cao từ 1.000 - 1.980m so với mực nước biển, nơi có điều kiện khí hậu và lập địa đa dạng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn các cây chè cổ đều bị rỗng ruột do sinh trưởng lâu năm trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

checotrendinhtadung-3-(1).jpg
Chè cổ trên đỉnh núi Tà Đùng thuộc Vườn quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phân bố tự nhiên trên độ cao từ 1.000 - 1.980m, nơi có điều kiện khí hậu và lập địa đa dạng

Nhóm nghiên cứu đã phân tích thành phần sinh học của các loài chè cổ tại Vườn quốc Tà Đùng và ghi nhận chúng có hàm lượng cao các hợp chất như polyphenol, flavonoid, saponin.

Các loài chè này có khả năng kháng oxy hóa, ức chế men tyrosinase, alpha-amylase, glucosidase và kháng khuẩn. Đây là những yếu tố có thể giúp mở ra tiềm năng phát triển sản phẩm dược liệu và hàng hóa giá trị cao từ các loài chè ở đây.

checotrendinhtadung-1-(1).jpg
Các cá thể chè cổ tại Vườn quốc gia Tà Đùng góp phần làm rõ giá trị đa dạng sinh học của khu vực, phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen thực vật quý, hiếm

Việc xác định thành phần loài, nguồn gốc và tuổi của các cá thể chè cổ tại Vườn quốc gia Tà Đùng đã góp phần đa dạng sinh học, làm cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen thực vật bản địa.

Đây cũng là yếu tố quan trọng để định hướng phát triển nông nghiệp, dược liệu bền vững và phát triển du lịch trong tương lai tại Vườn quốc gia Tà Đùng.

che-2-(1).jpg
Hoa và quả của loài chè cổ bản địa trên đỉnh Tà Đùng thuộc Vườn quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng cho biết, kết quả nghiên cứu đã góp phần mở rộng hiểu biết về đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tà Đùng.

Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho các chương trình bảo tồn, nhân giống, phát triển cây chè bản địa trong tương lai.

che (12)
Lá chè cổ trên đỉnh núi Tà Đùng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

"Đây được xem là những tài sản xanh quý báu, cần được gìn giữ và phát huy để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn đa dạng sinh thái", ông Long nhấn mạnh.

Vườn quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, nằm trên khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, được xem là "lá phổi xanh" quan trọng của khu vực.

Với tỷ lệ che phủ rừng lên tới 85% diện tích vùng lõi, bao gồm hơn 48% rừng nguyên sinh và hơn 36% rừng thứ sinh, nơi đây sở hữu hệ sinh thái, sinh cảnh phong phú, phù hợp cho sự sinh trưởng của các loài động, thực vật.

Cụ thể, trên lâm phần của Vườn quốc gia Tà Đùng hiện có hơn 1.400 loài thực vật. Hệ động vật tại đây cũng nổi bật, với khoảng 650 loài, bao gồm 70 loài nguy cấp quý hiếm; 61 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Đỉnh núi Tà Đùng là điểm cao nhất trong dãy núi thuộc Vườn quốc gia Tà Đùng, có độ cao 1.982m so với mực nước biển. Các nhà khoa học phát hiện nơi đây có 117 mẫu của 7 loài chè bản địa quý giá. Trong đó, 1 cá thể chè được xác định có tuổi đời 123 năm.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Giá trị của rừng chè cổ thụ ở Vườn quốc gia Tà Đùng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO