Giá trị cốt lõi của chủ quyền văn hóa, an ninh văn hóa là vô cùng quan trọng
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Trước bối cảnh tình hình mới phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh phi truyền thống thì giá trị cốt lõi của chủ quyền văn hóa, an ninh văn hóa là vô cùng quan trọng.
Tiếp tục cương trình làm việc, sáng 19/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng hoàn toàn tán thành với nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030. Từ việc phát huy những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2016-2020 kết hợp với đánh giá, định hướng chiến lược về văn hóa, con người giai đoạn tới sẽ xây dựng và thực hiện thành công chương trình giai đoạn 2025-2035.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng: tại các nội dung thành phần của chương trình (bao gồm 10 nội dung), khi được thông qua cần phân khai nhiệm vụ và chỉ tiêu cho địa phương thực hiện. Đặc biệt, cân nhắc đến tính linh hoạt trong điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm tính vùng miền, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương để thực hiện chất lượng các chỉ tiêu.
Đối với những nội dung thuộc chương trình nếu thực hiện theo quy trình đầu tư nhiều bước (vốn đầu tư), chủ chương trình là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp điều hòa với các đơn vị liên quan xây dựng thống nhất các quy định cụ thể, tránh dàn trãi nhiều bước, nhiều đơn vị từ Trung ương đến địa phương gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Mặt khác, dự thảo cần xây dựng khung pháp lý chương trình phù hợp, bảo đảm các tiêu chí, nhất là về thời gian và nguồn lực để địa phương triển khai thuận lợi. Tránh việc khi địa phương đang triển khai thì phát sinh vướng mắc về cơ sở pháp lý làm chậm tiến độ. Trong quá trình xây dựng chương trình cần phân cấp, phân quyền cụ thể.
Tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương cần được đánh giá, cân nhắc cẩn trọng, không cào bằng như nhau. Vì nguồn lực của mỗi địa phương khác nhau, nhất là có cơ chế ưu tiên đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Đối với các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa đang triển khai sau khi chuyển tiếp, hợp nhất vào chương trình này (nếu được Quốc hội phê duyệt) thì chủ chương trình cần có văn bản riêng áp dụng riêng, quy đinh cụ thể về thời gian, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ chuyển tiếp để tránh việc chồng chéo về đối tượng, nhiệm vụ với các chương trình khác.
Ngoài ra, thời gian qua, có thể thấy một khó khăn điển hình trong thực hiện xây dựng dự án (cụ thể trong chương trình này là xây dựng các thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tang,…) bị chậm tiến độ. Nguyên nhân ngoài việc thiếu nguồn vốn, quỹ đất,… thì còn lý do là sự khác biệt về thời tiết vùng miền. Ví dụ ở Tây Nguyên có 2 mùa mưa - nắng, khi trình hồ sơ dự án để bảo đảm đầy đủ các thủ tục (trình qua các cấp phê duyệt, phân bổ vốn, đấu thầu...), đến khi công trình bước vào triển khai xây dựng lại vào mùa mưa nên thực hiện chậm. Do đó, chương trình khi phân bổ ngân sách cần lưu ý cân nhắc đến điểm này để mỗi địa phương đều được tạo điều kiện thực hiện tốt chỉ tiêu, tiến độ.
Chưa kể, thực tế khi triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia có một tồn tại mà đến nay còn chưa khắc phục xong là nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương ban hành chậm cho nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các địa phương, đơn vị có liên quan cũng như quyền lợi của đối tượng thụ hưởng. Do đó, đại biểu Hằng đề nghị khi chương trình được thông qua cần đồng bộ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể từng nội dung, cách thức thực hiện bảo đảm tính thống nhất, kịp thời thực hiện, mang lại kết quả cao nhất.