Giá trị bền vững của chủ nghĩa xã hội trong cuốn sách của Tổng Bí thư

Thùy Trang ( Báo Nhân Dân)| 28/03/2022 10:59

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ rất lâu dài, gian khổ mà còn không có một hình mẫu duy nhất cho mọi quốc gia. Vì vậy, câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, con đường nào để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vẫn luôn được các chính đảng công nhân đặt ra và giải đáp. Là người đứng đầu Đảng ta, trước yêu cầu của thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu và có những kiến giải sâu sắc.

Ý kiến của Tổng Bí thư được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tập hợp trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Với 29 bài viết chọn lọc, phản ánh một tầm tư duy sâu sắc, một niềm tin sắt đá vào chủ nghĩa xã hội cũng như tiền đồ tươi đẹp của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu nhất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đó có những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới.

Tổng Bí thư đã cho thấy, trong điều kiện Việt Nam, để mang lại hạnh phúc thật sự cho Nhân dân, cần phải kiên trì, kiên định các giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Các giá trị đó phải được nhận thức và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện Việt Nam và bối cảnh mới của thời đại. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải hướng đến mục tiêu vì sự phát triển bền vững cho con người. Mục tiêu đó là nhất quán và xuyên thấm toàn bộ hành trình của người cộng sản khi phải đối mặt với tình trạng tha hóa bản chất con người do các chế độ có giai cấp bóc lột đưa lại.

Bìa cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong điều kiện Việt Nam, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, giữa kinh tế không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với xã hội, “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Điều này cho thấy, thể chế kinh tế đó không phải là sự gán ghép có tính cơ học như một số luận điệu của các phần tử cơ hội, phản động mà là sự kết hợp hữu cơ giữa hai yếu tố thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Là một chỉnh thể, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn thể hiện ở phương diện chính trị. Đó là một nền chính trị mà mọi quyền lực xã hội đều thuộc về Nhân dân và phục vụ Nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác về bản chất so với các kiểu nhà nước đã từng có trong lịch sử bởi “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”. Do đó, “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Với bản chất của mình, chủ nghĩa xã hội không chỉ đưa lại sự giàu có về vật chất mà suy cho cùng phải tạo ra một hệ sinh thái tinh thần bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Đó là một hệ sinh thái nuôi dưỡng lòng nhân ái, sự hòa mục, đồng thuận giữa con người với con người và giữa các cộng đồng, dân tộc để “bản chất loài” như quan niệm của C.Mác được phát lộ. Do đó, phát triển bền vững phải là sự phát triển dựa trên nền tảng văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và động lực cũng là văn hóa.

Có thể nói, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứa đựng nhiều tư tưởng lớn về chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả của quá trình lao động kiên trì, đầy tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, Nhân dân và Tổ quốc, không chỉ góp phần soi sáng con đường cách mạng trong công cuộc đổi mới hiện nay mà còn là sự cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân ta tiếp tục tiến lên thực hiện thành công di nguyện của Bác Hồ.

Để những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trở thành hiện thực, Tổng Bí thư cho rằng, cần “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/gia-tri-ben-vung-cua-chu-nghia-xa-hoi-trong-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-92160.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/gia-tri-ben-vung-cua-chu-nghia-xa-hoi-trong-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-92160.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Giá trị bền vững của chủ nghĩa xã hội trong cuốn sách của Tổng Bí thư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO