Sạt lở đất xuất hiện ngày càng nhiều tại Đắk Nông, với mức độ, quy mô ảnh hưởng, thiệt hại lớn, đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân.
Những năm qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông), một trong những địa bàn xảy ra tình trạng sạt lở đất nhiều nhất tỉnh. Trong đó, điển hình là sạt lở nghiêm trọng dọc sông Krông Nô đoạn qua xã Nâm N’đir.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Phòng NN- PTNT huyện Krông Nô, đến giữa tháng 9/2024, tại các điểm sạt lở dọc bờ sông Krông Nô đều tăng thêm về độ dài, chiều sâu.
Tại khu vực trạm bơm số 1 cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir bị sạt lở thêm 30m, sâu vào bờ 3 - 5m, nâng tổng chiều dài sạt lở khu vực này lên khoảng 330m.
Sạt lở làm gãy sập đường bê tông nội đồng kẹp kênh N1 dài khoảng 200m trôi xuống sông, khiên người dân không thể đi lại được. Kênh N1 đã bị gãy sập mới khoảng 180m không thể dẫn nước tưới.
Hiện tại, điểm sạt lở vẫn đang tiếp tục mở rộng và diễn biến rất nhanh, phức tạp, gây ảnh hưởng đến hệ thống đường dây điện trung áp có nguy cơ phải ngừng cung cấp điện để vận hành bơm tưới sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025 nếu không được gia cố.
Cũng tại cánh đồng Đắk Rền, sạt lở tại khu vực trạm bơm số 2 tăng lên nhanh chóng. Hiện bờ sông sạt lở khoảng trên 20m, sâu vào trong từ 2 -4 m, nâng tổng chiều dài 170m.
Điểm sạt lở này đang mở rộng, ăn sâu hơn vào bờ chỉ còn cách đường kẹp kênh N2 khoảng 4 - 5m. Điều này có nguy cơ sạt lở đoạn kênh chính N2 ảnh hưởng đến công tác phục vụ sản xuất cho khoảng 100ha lúa và màu của người dân…
Theo cập nhật mới nhất của Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, sông Krông Nô đoạn qua tỉnh Đắk Nông hiện ghi nhận 21 điểm sạt lở khác nhau, với tổng chiều dài trên 9km.
Tại huyện Đắk R’lấp, tình trạng sạt lở cũng diễn ra nhiều hơn ở một số địa điểm. Theo báo cáo của huyện, trong những ngày đầu tháng 9, mưa lớn đã làm sạt lở đất tại các xã Nhân Đạo và Quảng Tín.
Cụ thể tại thôn 3, xã Quảng Tín xảy ra sạt lở, sụt lún đất tạo ra vết nứt có độ rộng từ 20 – 40cm, với chiều dài khoảng 50m. Sạt lở cũng xảy ra tại bon Bu Bir thuộc xã này.
Tại thôn 6, xã Nhân Đạo, tại vị trí cách cầu Bản 10m xảy ra đoạn sạt lở sát mép đường nhựa có chiều dài 6m; chiều cao đoạn sạt lở từ trên mặt đường nhựa xuống chân 4m và lõm sâu vào lòng đường nhựa khoảng 2,5m.
Theo Ông Vũ Trọng Tài, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đắk R’lấp, điểm sạt lở tại thôn 6, xã Nhân Đạo là khá nguy hiểm, nguy cơ cao có thể sạt thêm, ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Tại Đắk Glong, theo báo cáo của UBND huyện, phía taluy âm tại Km9+780 đến Km9+820 đường từ xã Quảng Khê đi thủy điện Đồng Nai 4 đã bị sạt lở.
Vị trí sạt lở này có tuyến mương thu nước mưa phía taluy dương, được kết nối với cống ngang đường qua phía taluy âm để đưa nước chảy xuống vực thoát ra hồ thủy điện, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nặng, mất an toàn giao thông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai gây hậu quả lớn tại tỉnh những năm qua. Mức độ, quy mô ảnh hưởng, thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra ngày càng lớn.
Đắk Nông tiếp tục thực hiện phương châm “không để bị động, bất ngờ với thiên tai” qua việc chủ động bám, nắm địa bàn, địa điểm nguy cơ sạt lở, dự báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm.
Các cấp, ngành đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền đến hộ dân, cộng đồng dân cư để phòng ngừa từ xa, từ đầu đối với các loại hình thiên tai nói chung, sạt lở đất nói riêng.
Năm 2023, Đắk Nông phải công bố tình huống khẩn cấp 3 khu bị sạt lở đất: khu vực bon Bu Krắc và bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức); khu vực hồ chứa nước Đắk N’ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) và khu vực tỉnh lộ 1, đoạn Km25+100 - Km25+950, xã Quảng Tâm (Tuy Đức).