Thị trường tăng giá
Tại khu vực ĐBSCL Ri6 A ở mức 125.000 – 130.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 B từ 105.000 – 110.000 đồng/kg; Ri6 C thương lượng. Ri xanh loại A có giá 130.000 đồng/kg, loại B có giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, loại C có giá 70.000 đồng/kg.
Sầu riêng Thái A có giá từ 202.000 - 205.000 đồng/kg; sầu riêng Thái B có giá từ 182.000 - 185.000 đồng/kg; sầu Thái C từ 93.000 - 98.000 đồng/kg.
Sầu riêng chuồng bò loại A có giá từ 125.000 - 128.000 đồng/kg, loại B ở mức 105.000 - 108.000 đồng/kg, loại C ở mức 65.000 – 68.000 đồng/kg. Sầu riêng Sáu Hữu loại A ở mức 130.000 đồng/kg, loại B ở mức 110.000 đồng/kg, loại C ở mức 70.000 đồng/kg.
Sầu riêng Musang King loại A ở mức 165.000 - 170.000 đồng/kg, loại B có giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, loại C ở mức 70.000 đồng/kg. Sầu riêng Black Thorn loại A ở mức 170.000 – 180.000 đồng/kg, loại B ở mức 150.000 – 155.000 đồng/kg, loại C ở mức 70.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ Ri6 A từ 122.000 - 127.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 B từ 105.000 - 107.000 đồng/kg; Ri6 C thương lượng; sầu riêng Thái A có giá từ 200.00 - 205.000 đồng/kg; sầu riêng Thái B ở mức 180.000 - 185.000 đồng/kg; sầu Thái C 90.000 – 95.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại khu vực Tây Nguyên, Ri6 A từ 125.000 - 130.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 B từ 105.000 - 110.000 đồng/kg; Ri6 C từ 60.000 đồng/kg; sầu riêng Thái A đẹp ở mức 200.000 - 205.000 đồng/kg; sầu riêng Thái B ở mức 180.000 - 185.000 đồng/kg; sầu Thái C có giá từ 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Xuất khẩu sầu riêng, gạo bứt phá năm 2024
Sầu riêng, gạo, cà phê, lâm sản năm nay tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xuất khẩu nhờ chiến lược sản xuất bài bản, mở rộng thị trường và giá tăng kỷ lục.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2024 đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước đó, vượt chỉ tiêu 54-55 tỷ USD do Thủ tướng giao. Con số kỷ lục này khẳng định sức bật mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế.
Nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu năm nay là ngành rau quả, đặc biệt là sầu riêng - "ngôi sao sáng" với giá trị chiếm tới 40-42% tổng kim ngạch rau quả, góp phần đưa nhóm này đạt 7,2 tỷ USD. Con số này cũng đưa rau quả vượt gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt nhiều năm qua.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chiến lược sản xuất rải vụ và kiểm soát chất lượng chặt chẽ đã giúp sầu riêng không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu rau quả mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trái cây này đã đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc và cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Các mặt hàng trái cây khác như thanh long, xoài, chuối cũng góp phần không nhỏ vào thành công này.
Gạo thụt lùi so với sầu riêng nhưng vẫn tiếp tục giữ vững vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị gần 5,8 tỷ USD, tăng 21%. Năm nay, Việt Nam xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, với mức giá trung bình 620 USD một tấn - cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ. Các thị trường chính gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc, trong đó Indonesia tăng nhập khẩu gấp đôi để bổ sung dự trữ lương thực. Bộ Nông nghiệp dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 tiếp tục tăng trưởng nhờ các mô hình canh tác bền vững và sản phẩm chất lượng cao từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành cà phê cũng ghi nhận một năm bùng nổ với kim ngạch đạt 5,5 tỷ USD, tăng gần 32% so với năm trước. Mặc dù sản lượng giảm 15% do ảnh hưởng của thời tiết, giá cà phê tăng 57% so với cùng kỳ, đạt trung bình 4.037 USD một tấn - mức cao kỷ lục. Đức, Mỹ và Italy là các thị trường nhập khẩu lớn nhất, bên cạnh sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Trồng trọt, nhấn mạnh rằng tái canh cà phê đã góp phần cải thiện chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng thị phần.
Trong lĩnh vực lâm sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 19,4%. Các sản phẩm gỗ và đồ nội thất tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chiến lược sản xuất bền vững và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đang giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng sang cả các khu vực mới như Trung Đông và châu Phi.
Ngoài ra, các mặt hàng như hạt tiêu, cao su và thủy sản đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Giá tiêu xuất khẩu trung bình đạt 5.198 USD một tấn, cao su đạt 1.480 USD một tấn. Với mặt hàng thuỷ sản, giá xuất khẩu cũng tăng so với cùng kỳ và kim ngạch dần phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và cán đích 10 tỷ USD trong năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhờ vào các giải pháp tái cơ cấu ngành, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã có bước tiến đáng kể trong việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.