Giá sầu riêng hôm nay 26/8: Giá Sầu riêng Thái tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg
Giá sầu riêng hôm nay đi ngang với chủng loại sầu riêng Ri6. Tuy nhiên, giá sầu Thái lại tăng vọt, sầu riêng Thái loại đẹp lựa tăng cao nhất tới 5.000 đồng/kg, đạt mốc 94.000 đồng/kg...
Cụ thể, tại khu vực miền Tây Nam bộ, sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá 55.000-59.000 đồng/kg, mức giá này đi ngang so với hôm qua; sầu riêng Ri6 xô có giá 45.000-52.000 đồng/kg, giữ ổn định so với hôm qua.
Sầu Thái hàng đẹp lựa có giá 90.000-94.000 đồng/kg, loại này tăng mạnh 4.000 đồng/kg so với hôm qua; sầu riêng Thái mua xô có giá 75.000-82.000 đồng/kg, giữ ổn định so với hôm qua.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ, sầu Ri6 đẹp lựa có giá 55.000-58.000 đồng/kg, đi ngang so với hôm qua; sầu riêng Ri6 xô có giá 45.000-50.000 đồng/kg, ổn định so với hôm qua.
Sầu Thái đẹp lựa có giá 90.000-94.000 đồng/kg, loại này tăng giá từ 4.000-5.000 đồng/kg so với hôm qua; sầu riêng Thái mua xô có giá 75.000-82.000 đồng/kg, giữ nguyên so với ngày hôm qua.
Giá sầu riêng hôm nay 26/8, tại khu vực Tây Nguyên, sầu Ri6 đẹp lựa có giá 55.000-58.000 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua; sầu riêng Ri6 xô có giá 45.000-50.000 đồng/kg, giữ nguyên so với giá của ngày hôm qua.
Sầu Thái đẹp lựa có giá 90.000-94.000 đồng/kg, tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so với giá của ngày hôm qua; sầu riêng Thái mua xô có giá 75.000-82.000 đồng/kg; giữ ổn định so với hôm qua.
Dưới đây là bảnggiá sầu riêng hôm naytham khảo được thương lái thu mua tại vườn ở miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, khu vực Tây Nguyên ngày 26/8. Tùy theo độ dài đường vận chuyển hay khu vực vận chuyển mà giá sầu riêng sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc tranh mua để xuất khẩu sang Trung Quốc khiến giá sầu riêng tăng cao nhưng rủi ro là doanh nghiệp khó kiểm soát chất lượng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết hiện nay sầu riêng chính vụ của Malaysia, Philippines đã hết mùa. Thái Lan chỉ còn rải rác sầu riêng nên các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng thu mua sầu riêng tại Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nay tại Việt Nam sầu riêng miền Tây, miền Đông Nam bộ đã hết mùa, khu vực Tây Nguyên đang vào mùa. Do đó, khu vực này thương lái tranh nhau thu mua sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá tăng cao.
Theo ông Nguyên, việc tranh mua khiến giá sầu riêng tăng cao và đầy rủi ro. Đó là doanh nghiệp khó kiểm soát chất lượng do cắt sầu riêng non hay sầu riêng chín quá… Lúc này doanh nghiệp dễ bị vỡ hợp đồng với đối tác Trung Quốc, vừa bị phạt gây thua lỗ, mất uy tín.
Hiệp hội khuyến cáo các nhà vườn không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà phá vỡ các hợp đồng cam kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của mình. Bà con nên cắt hàng đúng thời điểm để giữ vững chất lượng, thương hiệu sầu riêng của mình và của Quốc gia.
Theo số liệu thống kê ước tính sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8 ước có thể đạt 355,732 triệu USD tăng 30,5% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023 đạt hơn 3,4 tỷ USD tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022 trong đó sầu riêng ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 30-40% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhện đỏ trên cây sầu riêng, phòng chống cách nào?
Trồng cây sầu riêng thì không tránh khỏi chuyệnnhện đỏ trên cây sầu riêng nên việc quản lý sâu bệnh hại là vấn đề gây đau đầu cho nhiều nhà vườn. Một trong những vật hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng cây trồng là nhện đỏ.
Đặc điểm nhận biết
Nhện đỏ hại sầu riêng thường có kích thước rất nhỏ (khoảng 0,3 – 0,35mm), màu cam hay đỏ sậm, trên cơ thể có nhiều lông cứng. Ấu trùng mới nở có màu vàng, nâu nhạt, khó quan sát bằng mắt thường.
Nhện đỏ phát triển mạnh trong thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp. Chúng tập trung rất nhiều dưới mặt lá, đặc biệt là các lá bánh tẻ.
Nhện đẻ từng trứng trên mặt lá, trứng nhện hình tròn. Nhện non và nhện trưởng thành dùng vòi chích vào mô lá, tạo nên các vết chích nhỏ li ti.
Tác hại của nhện đỏ trên cây sầu riêng
Vết chích ban đầu trắng nhạt sau chuyển sang màu vàng nhạt, khi mật độ nhện cao tạo nên nhiều vết chích, các vết chích liên kết lại thành mảng lớn, toàn bộ lá bị vàng. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quang hợp của cây trồng.
Nhện đỏ gây hại phần nhiều ở mặt trên lá sầu riêng và không làm xoắn lá như gây hại trên cây có múi.
Khi cây bệnh nặng lá cây bị phồng rộp sau đó cằn lại, vàng, thô cứng và cuối cùng sẽ bị khô đi. Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên khô và chết. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây trồng.
Một số biện pháp phòng trừ nhện đỏ
Biện pháp canh tác
Vào mỗi sáng sớm khi thời tiết còn mát, dùng vòi phun áp lực mạnh lên lá. Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng. Bón phân, tưới nước hợp lý giúp cây khỏe, tăng sức chống chịu (lá xanh, dày khỏe làm nhện khó chích hút).
Biện pháp sinh học
Dùng dầu và nước rửa chén: Pha với tỉ lệ 4:1. Dùng dung dịch này xịt lên những chỗ có nhện. Lưu ý: Nên phun xịt diện tích nhỏ để kiểm tra trước khi phun trên vườn có diện tích lớn. Với sự kết hợp trên, khi bị phun, dầu ăn sẽ dính vào cơ thể nhện đỏ. Nước rửa chén khiến chúng ngạt khí mà chết.
Biện pháp hóa học
Nhện đỏ có tính kháng thuốc rất cao vì vậy cần luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau. Khi sử dụng nên phun ướt đều 2 mặt lá. Các hoạt chất trị nhện đỏ hiệu quả: Petroleum Spray Oil, Sulfur, Fenpyroximate, Pyridaben,…