Giá phân bón tăng kỷ lục, nông dân xoay xở ứng phó

Kim Ngân| 17/03/2022 08:49

Chỉ vài tuần qua, giá phân bón tăng thêm hơn 20% và lập kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Điều này khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chỉ "bỏ công làm lãi".

Gia đình ông Hoàng Văn Nghĩa, ở xã Nam Đà (Krông Nô), trồng 2 ha cà phê. Mỗi năm, ông bón 5 đợt phân (mùa mưa 3 đợt, mùa khô 2 đợt), mỗi đợt bón khoảng 1 tấn phân/ha.

Theo ông Nghĩa, mỗi năm, riêng chi phí phân bón cho 1 ha cà phê hết khoảng 40 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản đầu tư như xăng dầu, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật…, mỗi năm chi phí hết khoảng 70 triệu đồng/ha cà phê. “Tình trạng này, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng cầm cự chứ chẳng mong có lợi nhuận”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô), áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp tiết kiệm chi phí sản xuất

Còn theo ông Trần Văn Hùng, ở xã Trường Xuân (Đắk Song), để làm ra được một hạt cà phê, người dân hiện nay phải bỏ ra rất nhiều khoản đầu tư. Trong đó, chi phí phân bón là lớn nhất.

"Mặc dù mức giá cà phê đang cao hơn mọi năm, nhưng nông dân cũng chỉ "bỏ công làm lời. Ngoài phân bón, giá cả hầu hết các mặt hàng trên thị trường cũng tăng cao, khiến cuộc sống của nông dân ngày càng khó khăn", ông Hùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết, vụ mùa năm 2021, một bao phân NPK loại 50 kg có giá xấp xỉ 1 triệu đồng. Còn hiện nay, một bao phân như vậy đã tăng lên thành 1,3 triệu đồng. Trong khi, giá cà phê hầu như vẫn đứng yên. Theo bà Lan, trước tình hình trên người dân chỉ biết xoay xở ứng phó để vượt qua.

Nhiều nông dân tự sản xuất phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng

Theo Cục Quản lý thị trường Đắk Nông, giá phân bón các loại đã tăng từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2021, cá biệt có những loại tăng từ 80 – 200%. Cụ thể, một bao phân Ure có giá 900.000 đồng, tăng 500.000 đồng so với năm 2021; phân NPK 700.000 đồng/bao, tăng 300.000 so với năm ngoái…

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các loại phân bón như: Ure, DAP, NPK, Kali… tăng giá đến 3 lần. So với tháng 2/2022, giá phân bón các loại hiện nay đã tăng từ 5-8%.

Thời điểm này, nông dân đang tập trung chăm sóc cà phê, hồ tiêu, cây lương thực, hoa màu vụ đông xuân. Lường trước những khó khăn về giá cả, vật tư nông nghiệp, dịch bệnh Covid-19, phần lớn bà con nông dân đã áp dụng các biện pháp thâm canh để ổn định sản xuất, giảm chi phí đầu tư.

Hội Nông dân các cấp cũng vào cuộc triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân. Trong đó, các cấp Hội Nông dân đặc biệt chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất.

Hội Nông dân xã Trường Xuân (Đắk Song) hướng dẫn hội viên sử dụng chế phẩm sinh học EM để ủ phân hữu cơ

Về phía bà con nông dân cũng chủ động tìm kiếm các giải pháp canh tác phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, nhiều nông dân đã tự sản xuất phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân cũng thực hiện hiệu quả biện pháp trồng xen canh kết hợp trồng cây tạo bóng mát, chắn gió, giúp giảm lượng nước tưới. Các loại cây trồng được bà con cắt tỉa cành kỹ càng, giúp cây phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, các nông hộ hướng đến canh tác hữu cơ, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp tưới phân. Từ các biện pháp này, nhiều bà con đã tiết kiệm được từ 30 – 40% chi phí đầu tư so với trước.

Bộ NN-PTNT vừa có Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp hỗ trợ sản xuất đối với người dân trong tình cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao.

Trong đó, các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN - PTNT tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả; tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/gia-phan-bon-tang-ky-luc-nong-dan-xoay-xo-ung-pho-91979.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/gia-phan-bon-tang-ky-luc-nong-dan-xoay-xo-ung-pho-91979.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giá phân bón tăng kỷ lục, nông dân xoay xở ứng phó
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO